Sách Chùa Hoằng Pháp Biên Soạn
Hiện tiền tu học như thế nào mới được tự tại Vãng sinh

Hiện tiền tu học như thế nào mới được tự tại Vãng sinh

Tác giả: Thích Tâm An
Mục lục
Lời người dịch
Lời người dịch
 
   Cổ nhân có dạy: “Thuốc không quý tiện, lành bệnh là thuốc hay; pháp không luận thấp cao, hợp cơ là pháp diệu”. Thật vậy, phương pháp Phật độ chúng sinh có vô lượng pháp môn, song không ngoài bốn phương pháp:
1. Bằng khẩu thuyết – cụ thể như những lời Phật dạy trong kinh tạng.
2. Bằng tướng hảo quang minh.
3. Bằng vô lượng đức dụng thần thông.
4. Bằng danh hiệu của các Ngài.
 
   Theo ngài Trí Giả đại sư, vị tổ thứ ba của Thiên Thai tông, trong bản sớ giải kinh Pháp Hoa thì niệm Phật là “tư duy về đức Phật”. Với những người con Phật, tư duy về đức Phật là điều rất tự nhiên vì nhân cách vĩ đại của Ngài còn cao siêu hơn những gì Ngài dạy trong kinh điển. Và nhân cách đó là cả một nguồn đạo đức sống động do chính bản thân Ngài phô diễn. Nhân cách cao thượng của Phật được biểu hiện cụ thể qua những đức tính lớn như một trí tuệ lớn (đại trí), một tình thương lớn (đại bi), một sức mạnh lớn (đại hùng) và một ý chí lớn (đại lực). Là con Phật, ai trong chúng ta lại không mong muốn thành tựu những đặc tính cao cả của Ngài. Chúng tôi thiết nghĩ, muốn thành tựu được công hạnh như Ngài, không gì hơn là chúng ta phải thầm tưởng nhớ và niệm danh hiệu của Ngài. 
 
   Lợi ích của niệm Phật, ngoài việc thường huân tập những đức tính tốt của Phật, theo ngài Đạo Xước (562 – 645) là một hành giả lỗi lạc của Tịnh độ cho rằng: “Thời này cách Phật bốn trăm năm, chính là thời chúng ta sám hối tội chướng, tu tập phước đức và xưng danh hiệu Phật. Trong kinh há chẳng nói dù chỉ một lần nhớ nghĩ đến danh hiệu Phật A Di Đà và xưng tụng danh hiệu của Ngài liền trừ được tội chướng sinh tử của chúng ta trong 80 ức kiếp đó sao? Chỉ một niệm đã được thế, hà huống gì thường niệm và hằng sám hối”. Pháp môn Tịnh độ tuy có thể nói hợp với mọi căn cơ, dễ tu dễ thành tựu, song trong kinh Tiểu Bản A Di Đà Phật có dạy: “Không chỉ đem chút ít thiện căn phước đức và nhân duyên để vãng sinh Cực lạc”. Ngoài ra, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật lại dạy: “Muốn sinh Cực lạc phải làm ba thứ phước. Một hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát; hai là thọ trì Tam quy, giữ đủ tịnh giới, không phạm uy nghi; ba là phát Bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả”. Ngài còn khẳng định đây là chánh nhân mà ba đời chư Phật muốn thành Phật đều lấy ba loại này làm nền tảng cho việc tu học, xem ra dễ mà không dễ chút nào. Là hành giả tu theo Tịnh độ, chắc chắn ai trong chúng ta cũng mong muốn  được tự tại vãng sinh.
 
   Nhận thấy bài giảng “Hiện tiền tu học như thế nào mới được tự tại vãng sinh” của pháp sư Tịnh Không rất có giá trị đóng góp cho người tu Tịnh độ về việc tu học trong hiện tại như thế nào để thành tựu được việc lớn tự tại vãng sinh. Là người sơ học với chút hiểu biết nhỏ bé về Hoa văn, chúng tôi đã mạo muội chuyển dịch bản tiếng Hoa nói trên sang tiếng Việt, với ước muốn đóng góp được phần nào vào công việc hoằng dương pháp môn niệm Phật tại bổn tự.
 
   Trong quá trình chuyển ngữ chắc không sao tránh khỏi những sai lầm và thiếu sót, chúng tôi mong được sự chỉ dạy và bổ khuyết của chư tôn đức, những người có kinh nghiệm trong dịch thuật để bản dịch này được dần hoàn chỉnh. Xin thành kính tri ân.
                                                                                                                     Tâm An  
Sách cùng thể loại
Lá Thư Còn Lại 1
Lá Thư Còn Lại 1
Nhiều tác giả
Góc Khuất
Góc Khuất
Nhiều tác giả
Ngày mới của tâm
Ngày mới của tâm
Chùa Hoằng Pháp
Nghi Lễ Hằng Ngày
Nghi Lễ Hằng Ngày
Chùa Hoằng Pháp
Lời Người Còn Ghi Lại
Lời Người Còn Ghi Lại
HT. Ngộ Chân Tử
Lá Thư Còn Lại 2
Lá Thư Còn Lại 2
Nhiều tác giả