Kinh Trường Thọ Diệt Tội
LỜI TỰA
Tất cả những Kinh chú trong Tam tạng Thánh giáo, do Đức Phật, chư vị Bồ-tát nói ra, hàng đệ tử Phật, nếu đem thọ trì đọc tụng, thì Kinh chú nào cũng có công năng diệt tội, tăng phước, tăng thọ. Vì sao Kinh này lại có thêm cái tên Trường Thọ?
Bởi vì, Đức Phật với Nhứt thiết chủng trí, Ngài thấy rõ vào đời trược ác, chúng sanh phần nhiều tạo những nghiệp nặng, do đó bị mắc quả báo mạng sống ngắn ngủi, hoặc bị sa rớt vào tam ác đạo, do vậy Đức Phật, nhận lời thưa hỏi của Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, Ngài nói Kinh này.
Tựa đề của Kinh còn có nói mấy chữ nữa là: Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni, câu này có nghĩa là: Phương pháp và chân ngôn bảo vệ các trẻ thơ. Hợp chung tựa đề trên và dưới, sẽ thành ý nghĩa là: Lời dạy của Đức Phật về phương pháp trừ diệt tội nặng, mạng sống lâu dài, và bảo vệ những trẻ con khỏi bị chết non chết yểu.
Tựa đề trên đây, đã tóm tắt nói lên nội dung Kinh này, đủ cho thấy tính cách quý báu và giá trị của Kinh, đối với những ai muốn tìm hiểu vấn đề thọ, yểu của con người nói chung, của trẻ thơ nói riêng.
Một đặc điểm của Kinh này là nói về tội ác phá thai, Đức Phật dạy rằng, đó là một tội cực nặng, đồng với tội ác giết cha, hại mẹ, phải bị quả báo mạng sống hiện tại ngắn ngủi, sau khi chết đọa địa ngục A-tỳ! Đức Thế Tôn đã đem chuyện tiền thân của ngài Văn Thù Sư Lợi, vô biên kiếp xưa, làm một người nữ có tên là Điên Đảo, vì nghiệp phá thai mà bị đoản mạng và quả báo địa ngục, song nhờ đối trước Đức Phật Phổ Quang Chánh Kiến sám hối tội lỗi, phát đại thệ nguyện, cho nên tội ác tiêu trừ, và nhờ Kinh Trường Thọ Diệt Tội, cho nên được chứng Vô sanh Pháp nhẫn.
Đặc điểm thứ hai của Kinh, là nói đến chín điều “bất cẩn”, mà một người sản phụ, lúc mới sanh con thường hay mắc phải, do đó người mẹ bị chết, hoặc đứa con bị chết, hoặc chết cả hai v.v... Kinh lại dạy rõ, vì lý do nào mà những trẻ sơ sinh kể từ một tuổi cho đến mười tuổi, bị nạn chết yểu v.v... Sở dĩ có những nạn này, là do những người không biết tránh dữ làm lành, cho nên bị các loại quỉ ăn uống tinh huyết, ăn nuốt thai trứng, chúng biến hóa ra nhiều hình thức để đoạt mạng sống trẻ thơ. Đây là một điều mà người phàm phu không mấy ai biết đến, và qua lời tự thuật của các loài quỷ được nói trong Kinh này, những ai đọc tụng đến, mới thấy giựt mình kinh sợ.
Một đặc điểm nữa là, Đức Phật dạy về mười sáu trường hợp, bao gồm nhiều hành vi tội ác, khiến cho con người mắc báo đoản mạng, chết đọa ác đạo, nhưng nếu thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường Kinh này, tức được tiêu diệt các thứ tội nặng và được mạng sống lâu dài.
Trong khi nói đến thế giới hiện tượng vào thời ác trược, Đức Phật dạy rõ những nguyên nhân nào làm cho cõi nước bị nhiều bất an, như nạn binh đao, ôn dịch, lụt lội, hạn hán v.v... Muốn tránh những đại nạn này, Đức Phật dạy hàng đệ tử, hãy nên thọ trì đọc tụng, biên chép cúng dường lưu thông Kinh Trường Thọ Diệt Tội, để tự cứu mình và cứu chúng sanh.
Trong các Kinh Phật thường đề cập đến nhiều loại ma quân, hay tìm mọi cách phá hoại những người tu hành Phật Pháp, trong đó Thiên ma Ba Tuần là đáng ngại hơn hết. Nhưng trong Kinh Trường Thọ Diệt Tội này, ban đầu Thiên ma cũng muốn dùng thế lực mình, tìm mọi phương pháp ngăn cản, làm cho không được lưu thông, nhưng khi đến trước Đức Phật, Thiên ma hối hận rồi phát đại nguyện bảo vệ những người đọc tụng, thọ trì Kinh này. Các quỷ La-sát cũng vậy, khi Phật chưa nói Kinh, thì những loài này, do nơi nghiệp ác mà mắc quả báo ăn nuốt thai nhi, và tinh huyết chúng sanh, nhưng khi được nghe Phật nói Kinh rồi, La-sát đều nguyện “Thà chịu ăn hoàn sắt nóng, trọn chẳng thể ăn máu các “hài nhi...”. Như vậy đủ thấy oai lực của Kinh thật chẳng thể nghĩ bàn.
Kinh này nhiếp về bí tạng Bồ-tát, vừa là hiển pháp, vừa là mật pháp, được những lực sĩ Kim cang Mật Tích hộ trì lưu thông để cứu hộ chúng sanh, được các đại sư Mật tông ở Đài Loan ấn tống truyền bá. Một cư sĩ đệ tử của các ngài là Như Đông Phật, từ Đài Loan gởi sang biếu tặng dịch giả. Sau khi xem qua nội dung, chúng tôi vô cùng phấn khởi, vì thấy có thể lợi ích cho mọi giới Phật tử Việt Nam, cho nên với sở học non kém, kiến văn cạn cợt, chúng tôi cũng cố gắng hết mình dịch ra Việt ngữ, giúp cho các vị chưa thấy chưa nghe, được có cơ duyên hiểu biết.
Việc làm của dịch giả, như thêm một hạt cát vào sa mạc, rót một giọt nước vào đại dương, nếu có chút công đức nào, nguyện hồi hướng khắp pháp giới chúng sanh, đồng phát Bồ-đề tâm, và được thọ mạng trường cửu, diệt các tội chướng.
Chắc chắn không sao chánh khỏi mọi sai sót, vụng về, mong chư vị thiện tri thức từ bi chỉ giáo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chùa Phước Quang
Trọng Thu năm Bính Tý-1996
Dịch giả kính ghi
Tỳ-kheo THÍCH THIỆN THÔNG