Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính
Theo đạo lý đẹp về tinh thần tri ân báo ân, dù chúng ta có là ai, ở cấp bậc địa vị nào trong xã hội, ta luôn chịu ơn, biết ơn và tìm cách đền ơn những người thầy đã dạy cho ta chữ nghĩa, nghề nghiệp, nhất là những người đã dạy ta đạo lý sống, cách đối nhân xử thế tốt đẹp ở thế gian.
Như trận mưa lớn trút nước xuống khu vườn, hoa lá cỏ cây đều được thấm nhuần tưới mát. Có duyên được gần gũi, học tập trong tình thương giáo dưỡng, huynh đệ chúng tôi đều tiếp thu được những điều hay lẽ phải từ Thầy. Mỗi người mỗi cảm nhận, mỗi người mỗi cách nhìn, nhưng với chúng tôi, Thầy là một người rất đáng để chúng ta noi gương, làm mô phạm cho đệ tử và đồ chúng Phật tử.
+ Thứ nhất, Thầy rất khiêm tốn và kiệm lời, dường như chưa lần nào thấy Thầy tỏ vẻ khoe khoang hay đề cao về mình, dù thực tế Thầy đã làm rất nhiều việc lợi lạc lớn lao cho nhân sinh và Phật giáo. Hành xử nhẹ nhàng và từ tốn, Thầy luôn tôn trọng và biết lắng nghe. Những gì cần nói hay góp ý, Thầy chỉ nói vừa chừng, không quá dông dài, không làm người nghe có cảm giác bị tổn thương hay phiền nhiễu.
+ Thứ hai, cứ nghĩ Trụ trì một ngôi chùa lớn nổi tiếng với đa đoan Phật sự, Thầy hẳn sẽ cần đến những nhu cầu sinh hoạt cao hơn nhằm đáp ứng cho sức khỏe và công việc, nhưng Thầy vẫn bình dân với lối sống vô cùng giản dị: một chiếc đơn, một bàn làm việc và vài kệ sách. Đến cả áo quần hay giày dép, nói chung là những vật dụng sinh hoạt thường ngày, Thầy không chủ trương xa xỉ hay rườm rà, chỉ đơn giản mà tinh sạch.
+ Thứ ba, trong cách sống, giảng dạy và tu học, Thầy luôn hướng dẫn đồ chúng những điều gắn liền thực tế. Không nhuốm màu huyễn hoặc hay mơ hồ, cái nhìn của Thầy về các pháp bao giờ cũng gắn liền với khoa học và nhân quả. Thay vì rao giảng về một Tịnh độ xa vời, Thầy luôn quan niệm hãy thiết lập một Tịnh độ nhân gian, nơi mà người ta luôn biết sống tỉnh thức với những suy nghĩ, lời nói và việc làm trong sạch.
+ Thứ tư, nghiêm cẩn khép mình vào nội quy pháp tắc, Thầy đều đặn hòa mình cùng đại chúng trong mọi sinh hoạt tu học. Mỗi sớm, Thầy thường đi thể dục vòng quanh dưới một góc sân Tăng xá. Đến giờ ăn, Thầy luôn có mặt cùng anh em. Ngày dùng hai bữa đạm bạc sáng trưa, Thầy hiếm khi vắng mặt, trừ những lúc ốm đau hay có Phật sự xa. Dù bộn bề công việc đến mấy, Thầy vẫn giữ công phu niệm Phật một ngày ba thời. Buổi sáng, Thầy giải quyết mọi công việc trong đại chúng, trả lời thư từ của Phật tử và tiếp khách khi cần; buổi chiều, Thầy lặng yên đọc sách, dành chút thời gian hiếm hoi còn lại cho riêng mình. Đều đặn với nếp sinh hoạt thường ngày tưởng chừng như đơn giản ấy, nhưng mấy ai trong chúng ta thật sự làm được và duy trì! Thay vì dùng khẩu giáo, cách Thầy đang làm thể hiện hình thức thân giáo với huynh đệ chúng tôi.
+ Thứ năm, ngoài việc nỗ lực tu tập, Thầy lúc nào cũng nghĩ đến việc hoằng pháp. Canh cánh trong lòng chí nguyện lợi sinh, Thầy luôn sốt sắng đi đầu và sáng tạo nhiều ý tưởng mới lạ trong các công tác Phật sự. Đã có thời, Thầy rất nhiệt tâm nhiệt tình đóng góp sức trẻ của mình cho những Phật sự chung khi còn làm bên Ban Văn hóa của Thành hội Phật giáo. Giờ đã có tuổi, Thầy xin tạm lui về, dành thời gian chăm lo cho đại chúng, mở mang đạo tràng, hoằng truyền giáo lý, chủ trương tu tập theo tông chỉ Tam phước Tịnh nghiệp, lợi lạc quần sinh.
Trân quý trước tấm lòng và tình cảm cao đẹp của Thầy dành cho đại chúng, cảm kích trước hạnh nguyện độ sinh lớn lao của Thầy, nhân dịp Thầy tròn 60 năm tuổi đời, 45 năm tuổi đạo và 37 hạ lạp, huynh đệ chúng tôi nghĩ rằng mình cần làm một điều gì đó, dù là nhỏ nhoi thôi, để kính dâng lên Thầy, như bày tỏ chút lòng kính quý tri ân. Dưới sự hoan hỷ của Thầy, chúng tôi mạnh dạn thực hiện tập Kỷ yếu 60 năm Thích Chân Tính với chủ đề Thầy. Thưa thỉnh chư vị Tôn túc viết bài, tập hợp các cảm nhận khác nhau từ chư huynh đệ tông môn và Phật tử, giới nhân sĩ tri thức, chúng tôi tạm phân loại, sắp xếp, biên tập và bước đầu định hình tập Kỷ yếu này. Kỷ yếu bao gồm 6 phần: 1. Giới thiệu; 2. Pháp lữ đạo tình; 3. Tay con trong tay Thầy; 4. Bên cội tùng già; 5. Thâm ân và 6. Tri ân đệ tử. Gói gọn khoảng hơn 180 trang khổ giấy A4, Kỷ yếu như một tập hợp lưu giữ ký ức của rất nhiều người, nơi mà những ai đã từng tiếp xúc, trao đổi, làm việc cùng Thầy, ít nhiều cũng đã để lại những dấu ấn đẹp đẽ khó phai trong lòng họ. Tập sách không chỉ là nơi cất giữ quá khứ với những hoài niệm về Thầy, mà ở đó còn là mạch sống, sự tiếp nối của ngày mai với bao điều tốt đẹp.
Cầm quyển Kỷ yếu trên tay, lật từng trang viết về Thầy, xem từng hình ảnh liên quan, ta như thấy một chặng hành trình dài 60 năm đã qua, cảm nghe lời Thầy dường như phảng phất bên tai, mách bảo cho chúng ta những đạo lý sâu xa và minh triết.
Xuôi theo từng trang viết với những cảm xúc, hoài niệm khác nhau về Thầy, các tác giả của từng bài viết cũng muốn bày tỏ chút lòng cảm kích, tri ân trước những công hạnh và đạo tình năm xưa khi có dịp tiếp cận với Thầy. Những gì chưa bày tỏ, sẽ đợi dịp sau; những điều chưa nói hết, chắc chắn sẽ chờ một dịp khác. Giờ đây, khi những trang viết cuối cùng khép lại tập Kỷ yếu về Thầy với một chút bâng khuâng, chúng tôi cảm thấy những ký ức tản mạn như đang thả sức trôi xuôi về mọi phía chân trời. Nếu có chút kỷ niệm đẹp đẽ nào đó đọng lại trong lòng độc giả sau khi xem qua, đó chắc hẳn sẽ là niềm vui lớn nhất của những người thực hiện chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị và các bạn, những người đã nhiệt tâm đóng góp bài viết, đến các bạn trong bộ phận chỉnh sửa, biên tập cũng như các khâu thiết kế, dàn trang, xin giấy phép và in ấn để cho ra đời tập Kỷ yếu này. Nó là món quà từ sự đóng góp đáng trân trọng của quý vị, để kính dâng lên Thầy, và để trao tay trong niềm vui chung cho tất cả chúng ta.
Kính chúc Thầy dồi dào sức khỏe, tiếp tục làm mô phạm cho hàng đệ tử và đồ chúng, không từ nan hạnh nguyện dấn thân hoằng pháp, làm lợi lạc nhiều người.
Thay mặt Ban Biên soạn
Thích Tâm Chánh kính ghi