Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Xã hội hôm nay đã phát triển khá nhiều về vật chất, đời sống tiện nghi của con người cũng ngày một nâng cao. Khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng, luôn đổi mới, đi lên và càng tiến xa hơn về phía trước. Nhu cầu sinh hoạt đời sống của con người cũng theo đây mà thay đổi, cải thiện và tiện lợi nhiều hơn.
Thêm vào đó, sự ra đời hàng loạt của các phương tiện máy móc hiện đại, các thiết bị hỗ trợ chuyên dùng trong mọi ngành nghề đã phần nào làm biến đổi gần như hoàn toàn bộ mặt kinh tế, văn hóa của đời sống, góp phần tiết kiệm thời gian cũng như nâng cao năng suất công việc. Sự phát triển vượt bậc như vũ bão ấy của nền khoa học công nghiệp đã chính thức đưa con người bước sang một đời sống mới, mở ra một kỷ nguyên hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp ở tương lai.
Nhưng nhìn lại, vật chất càng tiến bộ bao nhiêu thì dường như đời sống tinh thần của một số người càng sa sút và suy thoái bấy nhiêu. Một khi tư tưởng tư hữu, bảo thủ đã lớn mạnh dần, thì trong họ sẽ tồn tại và nảy sinh bao điều riêng tư, vị kỷ. Một số người mãi cứ bám víu vào vật dục, xem đó như một mục tiêu tối cao cần phải phấn đấu để đạt tới của đời mình. Và tất cả sự kiện ấy, như một hệ quả tất yếu, đã làm cho tình người trong nhóm cá nhân này bắt đầu chia cách, những thiện cảm nồng ấm ngày nào sẽ mau chóng trở thành lạnh nhạt, khô khan.
Hơn thế nữa, khi đã bị lệ thuộc vào vật chất, những người này rất dễ sa ngã và đánh mất mình trước bao cám dỗ của vòng quay xã hội. Trong phút giây, họ sẽ biến mình thành tên nô lệ để phục vụ cho thị hiếu và đam mê. Rồi họ sẽ cuồng say trong hơi men của hưởng thụ, hát những bản tình ca của tham vọng nhỏ nhiệm, tầm thường. Cũng từ đây, sự xuất hiện của bao cuộc cạnh tranh để thủ đoạt, lấn lướt lẫn nhau là điều dễ xảy ra và dễ thấy. Nhóm cá nhân này sẽ tha hóa dần về nhân cách, trượt đà xuống hố thẳm của tội lỗi và bất lương. Nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp có tác dụng hữu hiệu kịp thời, các nhà đạo đức cho rằng, không bao lâu, hành tinh của chúng ta sẽ trở thành một hành tinh chết, bởi khi đó, con người không còn thương yêu nhau nữa, trái tim của con người đã lạnh lẽo, giá băng.
Trước thảm trạng đau lòng này, các nhà hiền triết đại diện cho lập trường chính nghĩa luôn khắc khoải, suy tư, mong tìm ra một con đường có thể cứu vãn phần nào sự xuống cấp về nhân cách của một số người bị tha hoá trong hiện tại, phục hưng nền phong hóa cũng như củng cố lại giá trị đạo đức ban đầu cho họ. Thế nên, mọi nỗ lực liên tục được phát huy, mọi giải pháp hữu quan không ngừng được đề xuất. Nhưng dường như những gì thuộc về điều thiện, điều lành vẫn chưa mạnh, còn cái ác và điều xấu vẫn còn tồn tại và gây nhiều nhức nhối trong đời sống tinh thần xã hội.
Giờ đây, con người không cần phải chờ đợi vào bất cứ một trợ lực nào từ phía bên ngoài, không cần phải phó thác đời mình cho trông mong hay mặc khải vào ân sủng. Họ cần phải sáng suốt, khôn ngoan để định đoạt lấy đời sống của chính họ. Có lẽ, đã đến lúc con người cần phải đứng lên bằng con tim và khối óc, tạo dựng nên một thế giới hạnh phúc, an lành ngay giữa cõi trần gian.
Thật vậy, muốn có của cải giàu sang, con người cần phải siêng năng lao động. Muốn thoát ly cảnh đói nghèo, lạc hậu, con người cần phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, tìm tòi. Cũng vậy, nếu muốn hiện thời và những đời sau cuộc sống được lạc phúc, an bình, ngay hôm nay, chúng ta phải tỉnh táo xét đoán và cân nhắc kỹ càng những việc mình làm, những gì mình tạo. Bởi chính chúng ta mà không phải một người nào khác chịu trách nhiệm về những hành vi lưu xuất từ thân, ngữ và ý của chúng ta. Hạnh phúc hay khổ đau không tựu thành từ một đấng thần quyền, ranh giới giữa hai phạm trù này phải do chính chúng ta chọn lựa.
Kệ số 165 của kinh Pháp Cú có ghi:
“Tự mình làm điều ác
Tự mình làm nhiễm ô
Tự mình không làm ác
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình
Không ai thanh tịnh ai”(1).
Nói cách khác, con người là chủ nhân ông của chính họ. Mọi thiện pháp hay bất thiện pháp phải do họ tự phấn đấu để vươn tới hay dứt khoát để đoạn lìa. “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu” (2 ).
Như vậy, theo lời dạy trên của Thế Tôn, các loài hữu tình nói chung hay con người nói riêng, là tác nhân chính trong việc quyết định đời sống của chính mình. Một khi nghiệp đã tác hành, tức thói quen có khả năng luân lưu tái diễn nhiều lần dưới sự chỉ đạo của ý, chúng ta phải hoàn toàn nhận lãnh tất cả mọi trách nhiệm. Không ai có thể thay thế cho ai.
Do vậy, sự tin hiểu và thẩm thấu một cách trọn vẹn về luật nhân quả nghiệp báo sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp con người tự nhìn nhận và đánh giá chuẩn xác về mọi tác tạo của chính mình. Luật nhân quả như chiếc gương trong, có thể phản hồi bất cứ ảnh tượng hay vạn pháp nào rọi soi vào nó. Nếu đối diện trước gương là bộ mặt của một kẻ độc tài, vị kỷ, ảnh trong gương cũng sẽ lộ rõ ra những đường nét ma mãnh trên khuôn mặt của một tay bịp bợm, gian manh. Còn nếu hiện diện trước gương là ánh mắt của một trái tim nhân hậu, hiền hòa, ảnh phản hồi chắc chắn sẽ là dung nghi của một con người vị tha, khiêm cung và từ ái.
Nhân quả, hiểu đơn giản, là nguyên nhân và kết quả. Như mây đen vần vũ là nhân, mưa rơi, sấm chớp là quả; sự thiếu hiểu biết là nhân, lạc hậu, đói nghèo theo sau là quả. Nhân quả không vận hành theo bàn tay của một đấng tối cao đã bí mật an bài hay sắp đặt, mà sự lưu chuyển này phải nhờ vào một yếu tố quan trọng khác là duyên. Thế nên, từ nhân đi đến quả buộc phải trải qua duyên. Nhân quả, hiểu đủ là nhân duyên quả.
Nhân là nguyên nhân, là năng lực chính để khởi sinh vạn pháp; quả là kết quả, là sự hội thành từ các năng lực chính. Nhân quả là một quy luật tất nhiên, hai trạng thái này luôn tác động qua lại lẫn nhau để hiện hành, tồn tại.
Hạt cam được người làm vườn gieo xuống đất là nhân. Các yếu tố phụ khác tác động tới như nước, ánh sáng, phân bón, thuốc trừ sâu v.v... là duyên. Nhờ đó, cây cam mới nảy mầm, lớn lên, ra hoa và kết quả. Giai đoạn này là quả đã hình thành. Vậy, khi hai thành tố nhân, duyên đã tác thành theo đúng tiến độ, quả là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Trong giáo nghĩa của Phật giáo, nhân quả là một lý luận cơ bản để biện giải, thuyết minh các vấn đề về nhân sinh và vũ trụ. “Trong sự hình thành của tất cả các pháp thì nhân là năng sinh, còn quả là sở sinh, tức pháp nào có khả năng sinh ra kết quả là nhân, còn pháp nào từ nhân sinh ra là quả” (3 ).
Tính chất diễn biến của nhân quả vô cùng phức tạp. Tương quan giữa chúng có các đặc tính cơ bản như: nhân nào quả nấy; một nhân không thể sinh ra quả; tùy thuộc vào sự sai khác của nhân, duyên mà kết quả thành hình nhanh hay chậm...
Phẩm Hạt Muối thuộc kinh Bộ Tăng Chi 1, đức Phật dạy như sau: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục”.
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều” (4 ).
Như thế, với người không tu tập giới, không tu tập tâm... sống đời hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen... Thì cho dù chỉ tạo nghiệp nhỏ, cũng đủ dẫn người ấy đi vào ác thú, đọa xứ, địa ngục, luân hồi. Ngược lại, với người có tu tập giới, có tu tập tâm... thì dù người ấy có tạo nghiệp nhỏ, nhưng sự chi phối của nghiệp nhỏ ấy không đủ sức mạnh để đẩy người kia rơi vào cõi dữ, bởi người ấy có sự tu tập và chuyển hóa thân tâm, biết tác tạo nhân lành, biết quên mình để phụng sự và hy sinh cho tất cả.
Chỉ khi nào con người quán xuyến một cách tận tường về mọi vòng quay của bánh xe nhân quả, chừng ấy con người mới thôi làm điều bất thiện, sẽ tránh xa và từ bỏ con đường đưa đến đổ vỡ, sai lầm. Khi đó, các thiện pháp sẽ khởi sinh, con người sẽ an trú vào phạm hạnh, dõng mãnh, tinh tấn, kiên trì với cứu cánh phạm hạnh.
Nhưng khi chưa có khả năng để đạt tới những điều như vậy, chỉ cần mỗi người trong tất cả chúng ta có một cách nhìn căn bản về tiến trình nhân quả, cũng như hình thành những khái niệm hiểu biết cụ thể về chúng, thì thiết nghĩ, chúng ta sẽ tìm ra một phương hướng sống mới tích cực hơn, nhân bản hơn và có ý nghĩa thiết thực hơn cho chúng ta cũng như cho bao người xung quanh chúng ta nữa.
Hiểu về ý nghĩa nhân quả ở một mức độ nhất định, đủ làm hành trang quan yếu cho những ai muốn xây dựng và tái tạo một đời sống thiện phúc, an hòa, chúng ta tin tưởng với nhau, rồi đây, con người sẽ sống xứng đáng và tốt đẹp hơn những gì trước đó. Chỉ cần mọi người hội đủ một vài kiến thức cơ bản nhưng thiết thực của đường đi nhân quả, chắc chắn họ sẽ sáng suốt và minh mẫn nhiều hơn trong việc quyết định đời sống của chính mình.
Xuất phát từ những suy nghĩ trên đây, chúng tôi có tham vọng muốn chia sẻ, giãi bày một vài hiểu biết nhỏ nhiệm của mình với mọi người về phạm trù nhân quả. Bằng những nhận định thô sơ, cạn cợt, chúng tôi biết, nếu đem nhân quả ra phân tích, chia chẻ, thẩm xét... sẽ không thể đạt tới đỉnh điểm cuối cùng. Điều này, phải đợi chờ vào những bậc thầy uyên thâm, thức giả.
Tuy nhiên, trong một chừng mực cho phép, chúng tôi cũng muốn nói lên những điều này thông qua quyển sách Những câu chuyện về Nhân Quả nhỏ bé của chúng tôi. Hẳn rằng người đọc sẽ rất ngạc nhiên vì đây chỉ là quyển sách tập hợp một vài câu chuyện, mà không phải là một tập luận trình bày về đề tài nhân quả hay những điều khác có liên quan. Song, dù là những câu chuyện nhỏ thôi, nhưng nội dung bên trong lại bao hàm nhiều ngữ nghĩa vô cùng sâu sắc, làm cho người đọc một khi đã xem qua, phải lắng lòng chiêm nghiệm, suy tư và thẩm thấu được nhiều điều. Dĩ nhiên, điều mong mỏi lớn nhất của chúng tôi, là quyển sách có thể chuyển tải tới người xem một thông điệp quan trọng, rằng gieo nhân xấu sẽ bị quả xấu, làm điều lành sẽ hưởng quả lành.
Quyển sách là một tập hợp, gom góp nhiều câu chuyện nhỏ rải rác ở các nơi trong các ấn phẩm văn hóa Phật giáo, các tạp chí văn hóa Phật học, các sử truyện, những câu chuyện cổ, những mẩu chuyện dạy về phương châm sống, cách tu dưỡng thân tâm, nghệ thuật đối nhân xử thế cũng như các sách dạy làm người v.v... và chúng tôi cũng có chắt chiu, cân phân, sàng lọc thật kỹ lưỡng. Sự tập hợp, sắp xếp một cách trật tự và lô-gic ấy, hy vọng độc giả sẽ từng bước nắm vững các yếu điểm quan trọng trong từng câu chuyện cũng như nhớ kỹ càng mọi tình huống diễn biến của nhân vật, đối tượng chính có tác dụng như chất xúc tác, làm cho ta phải nhìn lại chính mình.
Nhân dịp xuất bản quyển sách này, chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc nhất đến thầy Thích Chân Tính, viện chủ chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh vì những khích lệ khả quan và tấm lòng từ kính của thầy. Dù đã sống gần thầy nhiều năm, song cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn không thể cảm nghiệm hết được những chân tình mà thầy luôn ưu ái, quan tâm dành cho chúng tôi, cũng như dành cho đại chúng.
Chúng tôi cũng xin ghi ơn mọi cố vấn đắc lực của Ban Văn hóa chùa Hoằng Pháp về các khâu tra cứu hay sưu lục những câu chuyện nhân quả trong quyển sách. Với chúng tôi, sự trợ giúp này, quả thật vô cùng ý nghĩa.
Cuối cùng, chúng tôi xin tri ân tác giả của nhiều câu chuyện mà chúng tôi đã tìm tập, bởi đó là nền tảng đầu tiên dẫn đến sự ra đời của quyển sách này.
Chùa Hoằng Pháp,
một đêm mưa tháng Tư
Thích Tâm Thuận kính bút
(1) Kinh Pháp Cú, Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Tiểu Bộ, tập 1, tr. 64.
(2) Kinh Tiểu nghiệp Phân Biệt, Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trung Bộ, tập 3, tr. 474.
(3) Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 4, tr. 3153.
(4) Kinh Tăng Chi Bộ 1, Đại tạng kinh Việt Nam, Phẩm Hạt Muối, tr. 452.