Sách Khác
Thư đại sư Ấn Quang trả lời cho Trịnh Bá Thành

Thư đại sư Ấn Quang trả lời cho Trịnh Bá Thành

 

Từ khi gặp nhau đến nay, thế mà đã 6 năm, không những tuổi tác đổi thay, mà quốc pháp cũng đã không còn dùng cái cũ nữa rồi. Sự vô thường của hiện tượng thế gian, quả thật là đáng đau xót!

Nhận được thư ông, biết ông hết lòng tu tập tịnh nghiệp, quả thật là đáng khen ngợi. Nhưng trong thư ông nói thân tâm rất là không an, không biết là do cảnh ngộ khiến tâm không an, hay do bệnh tật khiến thân không an?

Nếu là do cảnh ngộ, thì hãy nên thối lui một bước mà nghĩ. Nên nghĩ thế gian những người hơn ta rất nhiều, nhưng những kẻ kém ta cũng không ít. Chỉ cần không bị đói rét là được, cần gì phải đi hâm mộ những kẻ giàu sang? Nếu biết chấp nhận những gì mình đang có, thì có thể chuyển phiền não thành Bồ-đề mà. Lo gì không thể chuyển khổ thành vui?

Nếu do bệnh duyên mà khổ, thì nên thống niệm thân này là gốc của khổ, phải sanh tâm yếm ly đối với thân thể, càng nỗ lực tu hành pháp môn Tịnh độ, phát nguyện phải vãng sanh thế giới Cực Lạc. Chư Phật đều coi đau khổ là thầy, nhờ đó mà thành tựu Phật đạo. Chúng ta cũng phải nên coi bệnh khổ là thuốc hay, để tốc cầu vượt khổ sanh tử.

Nên biết phàm phu, nếu không nghèo đói và bệnh khổ bức bách, thì chỉ biết đắm trong danh lợi tài sắc, có ai trong lúc đắc ý mà chịu quay đầu lại nghĩ đến tình cảnh trầm luân trong tương lai!

Mạnh tử nói: “Vì thế khi trời giao một trách nhiệm lớn cho ai gánh vác, nhất định trước tiên phải làm cho tâm chí người đó khốn cùng, gân cốt người đó mệt mỏi, thân thể người đó đói khát, làm cho người đó nghèo cùng, khốn khổ, và nhiễu loạn hành vi việc làm của họ. Sở dĩ như vậy là muốn làm cho họ động tâm, lại muốn họ tập chịu đựng, chính là muốn tăng thêm năng lực đạt không được ban đầu của họ.”

Cho nên chúng ta có thể biết, khi trời muốn thành tựu một ai đó, phần nhiều là tạo nên những nghịch cảnh để khảo nghiệm, và mọi người nên lấy thái độ thuận theo để tiếp nhận sự khảo nghiệm của trời. Tuy nhiên cái trách nhiệm lớn mà Mạnh tử nói, vẫn chỉ là danh lợi của thế gian mà thôi.

Quang tôi cũng thế, cũng phải lao tâm nhọc chí, trầy da tróc vảy mới không cô phụ tâm ý của trời, chớ làm sao chúng ta lấy địa vị phàm phu tục tử, mà muốn trên thành tựu Phật đạo, dưới hoá độ chúng sanh?

Nếu không bị chút nghèo cùng và bệnh tật, thì sự u mê ngày một lớn, và tịnh nghiệp khó mà thành tựu. Do bị mê hoặc cái chơn tâm vốn có, cho nên vĩnh viễn trầm luân trong ác đạo, đời đời kiếp kiếp không thoát ra khỏi.

Câu “không bị một phen sương thấm lạnh, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương” mà cổ đức nói, là chỉ tình hình này. Nhưng khi chúng ta lập chí phát nguyện niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng cũ, nhất thiết không được khởi tâm phiền bực mà oán trời trách người, bác nhân quả, cho Phật pháp không linh.

Phải biết chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, ác nghiệp đã tạo nhiều thật không lường. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nếu ác nghiệp mà chúng sanh tạo ra có hình có tướng, thì hư không của cả mười phương thế giới cũng không dung chứa hết.” Cho nên làm sao có thể tu trì hời hợt mà có thể tiêu trừ hết được?

Do đó Phật Thích-ca và Phật A-di-đà, giáo chủ của hai quốc độ Phật này, thương cho chúng sanh không đủ sức đoạn trừ nghiệp hoặc, nên đã đặc biệt khai thị pháp môn niệm Phật, nương vào sức từ của Phật đới nghiệp vãng sanh. Sức đại từ đại bi của chư Phật, đem so sánh trời đất với cha mẹ, như một hạt cát so với số cát của sông Hằng. Do đó chúng sanh chỉ cần phát tâm tàm quý, phát tâm sám hối, thì liền được sự gia bị của chư Phật, tội nghiệp tự nhiên được tiêu trừ, thân tâm tự nhiên được an ổn.

Nếu bệnh khổ đau đớn quá không thể nhận chịu được, thì nên ngoài công khoá sáng tối niệm Phật hồi hướng ra, chuyên tâm niệm thêm Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát. Bồ-tát Quán Thế Âm chỉ cần nghe tiếng cầu cứu, thì sẽ hiện thân trong cõi trần để cứu chúng sanh thoát khổ. Người ta trong lúc nguy cấp, nếu tha thiết niệm, lễ bái Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát, tức liền được cảm ứng, liền được phù hộ, thoát khỏi khổ não, được thân tâm an lạc.

Pháp môn niệm Phật là phương pháp đơn giản nhất, dễ dàng nhất, rộng lớn nhất, vĩ đại nhất. Nhưng cần phải kiền thành khẩn thiết đến cực điểm, mới được cảm ứng đạo giao, đời này lập tức đạt được thật ích. Nếu biếng nhác, không tâm kính trọng và sợ hãi, thì tuy có trồng nhân được độ, nhưng với tội ngạo mạn khinh thường, thì đời sau cùng lắm chỉ được sanh thiên hay làm người, chớ nhất định không được vãng sanh Tịnh độ.

Đối với tượng Phật, nhất định phải coi là Phật thật, không được coi là hình tượng. Khi đối diện với tượng Phật, kinh Phật, phải như trung thần phụng thờ thánh chúa, phải như hiếu tử đọc di chúc của cha mẹ. Được như thế, thì không nghiệp chướng nào là không tiêu trừ, không phước huệ nào mà không được.

Người học Phật thời nay rất nhiều, nhưng họ chỉ đọc văn, hiểu nghĩa để rao giảng lại cho người khác nghe, lấy tiếng học rộng mà thôi. Còn nói đến cung kính kiền thành, y kinh giáo mà tu hành, thì quả thật khó có được người như thế.

Tôi thường bảo, muốn được sự lợi ích thật sự của Phật pháp, cần phải cung kính. Có một phần cung kính, thì tiêu được một phần nghiệp báo, tăng một phần phước huệ.

Có mười phần cung kính, thì tiêu được mười phần nghiệp báo, tăng mười phần phước huệ. Nếu không có tâm cung kính, thậm chí còn kiêu căng ngạo mạn, thì tội nghiệp càng ngày càng tăng, và phước huệ càng ngày càng giảm, thật là thương xót! Nếu gặp bạn bè, ông dạy được cho họ đạo lý này, chính là pháp bố thí lớn nhất.

Pháp môn Tịnh độ nếu phát khởi niềm tin được, thì không gì bằng. Nếu trí huệ của mình bị hạn chế, không thấu triệt được pháp môn này, thì chỉ cần tin lời thành thật của chư Phật và chư tổ là đủ, nhất thiết không được có một chút tâm nghi ngờ. Nếu nghi ngờ, thì đã quay lưng với Phật, như vậy khi lâm chung nhất định không thể cảm ứng đạo giao với Phật.

Người xưa nói: “Pháp môn niệm Phật, chỉ có giữa các đức Phật với nhau, mới hiểu khắp được. Chư Bồ-tát đăng địa, chút xíu cũng không hiểu được.” Ngay cả những đại sĩ đăng địa, cũng không cách gì hiểu hết, thì phàm phu tục tử, làm sao có thể đoán bậy được.

Nếu ông muốn nghiên cứu pháp môn Tịnh độ, thì nên đọc Tịnh độ Thập yếu. Cuốn sách ấy đại sư Ngẫu Ích đã rút những tinh hoa trong các sách Tịnh độ mà tập thành. Lấy sự khế hợp căn cơ của người hiện đại mà nói, cuốn sách ấy phải nói là đệ nhất. Thiên Di-đà yếu giải, từ khi Phật Thích-ca nói bộ kinh này đến nay, dù là Thiên trúc hay Trung Quốc, không ai chú giải qua được. Ông phải đặc biệt chú trọng lời trong sách ấy nói, không được coi thường.

Những người thông minh thời nay, tuy học Phật pháp, nhưng do không gần gũi với bậc thiện tri thức có trí huệ, cho nên cứ chỉ chú trọng lý tánh, mà bỏ đi đạo lý sự tướng và nhân quả. Do họ bỏ sự và nhân quả, cho nên kết quả lý tánh cũng mất luôn.

Cho nên luôn có những người tài hoa, viết ra những bộ sách ngay cả quỷ thần cũng kinh, nhưng hành vi của họ thì chẳng khác gì những kẻ vô thức thế gian, bịnh ở chỗ họ bỏ đi sự tướng và nhân quả. Kết cục họ là những người bị người trí xót thương, kẻ ngu học hỏi. Đó chính gọi là huỷ báng Phật pháp bằng thân hành, tội lỗi quả thật không nhỏ.

Trong cuốn Pháp Uyển Châu Lâm nói nhân quả rất là kỹ lưỡng, lý thể và sự tướng đều đầy đủ. Những sự tích nhân quả báo ứng mà trong sách thuật, rõ ràng từng chi tiết, khiến cho ai sau khi đọc xong, cũng phát run, dù là chỗ không người hay trong phòng tối, cũng đều như đối diện với chư Phật hay trời đất quỷ thần, mà không dám có một chút ý niệm tà ác. Vì thế, căn cơ thượng trung hạ đều được lợi ích, nhất định không đến nỗi đi sai đường, mà chấp vào lý thể phế bỏ tu sự, sanh tệ bệnh thiên tà cuồng vọng.

Tổ sư Mộng Đông nói: “Những người thấu rõ tâm tánh, nhất định không bỏ nhân quả. Những người tin sâu nhân quả, nhất định thấu rõ tâm tánh, đó là lý tất nhiên.”

Câu này của tổ sư Mộng Đông, là câu danh ngôn bất hủ, cũng là sự cảnh tỉnh cho những kẻ trí huệ cuồng vọng. Cuốn sách này rất phổ biến, tốt nhất xin đọc qua, đọc xong sẽ tự thấy được lợi ích của nó, và xin giới thiệu cho bạn bè cùng đọc.

Em trai ông mùa thu năm ngoái khi đến Phổ Đà sơn, tôi cũng có khuyên anh ta phải cung kính đối với Phật pháp, nhưng không biết anh ta có nghe lời khuyên của tôi không.

Nhận được thư ông, sau khi đọc xong tôi thấy tâm thần rất khoẻ. Cừ Bá Ngọc lúc gần 50 tuổi, thấy được lỗi lầm của mình trong 49 năm qua. Khổng tử lúc gần 70 tuổi, còn mong trời cho sống thêm mấy năm nữa để học kinh Dịch, mong tránh lỗi lớn.

Học thuyết của các hiền thánh nhà Nho, không một học thuyết nào là không hạ thủ ngay nơi khởi tâm động niệm. Nhưng tiếc cho các nhà Nho bây giờ, chỉ biết học thi thơ, đối với việc chánh tâm thành ý, hoàn toàn không chú ý tới. Do đó, người ta cho dù ngày nào cũng đọc sách thánh hiền, nhưng không biết chút gì rằng Thánh hiền viết sách dụng ý là được dạy người. Và những gì họ nói, họ làm với những hành vi lời nói của thánh hiền, trái nhau như ánh sáng với bóng tối, như hình tròn với hình vuông, càng không cần đề cập đến những hành vi vi tế!

Kinh Phật dạy mọi người phải thường hay sám hối, để đoạn tận vô minh, viên thành Phật đạo. Bồ-tát Di-lặc tuy đã ở địa vị đẳng giác, nhưng vẫn một ngày 12 thời lễ bái thập phương chư Phật, để mong đoạn tận vô minh, chứng đắc pháp thân viên mãn, huống hồ gì phàm phu.

Mà phàm phu thì một thân tội, nhưng không một chút tâm tàm quý, không tu pháp sám hối. Tuy một niệm tâm tánh của chúng sanh, đồng với Phật không khác. Nhưng do ác nghiệp phiền não che mất nguồn tâm, khiến cho chân tâm không thể hiển hiện. Như tấm kiếng đồng, bị bụi bám lâu ngày, không những không chiếu sáng, mà ngay cả chất đồng của nó cũng không nhìn thấy.

Nếu biết tấm kiếng đồng bị bám đầy bụi ấy, vốn có đủ ánh sáng chiếu sáng trời đất, rồi ra công chùi, ngày lại ngày thì chất đồng của nó sẽ hiện ra. Rồi lại gia công chùi nữa, cứ như vậy, ánh sáng của nó từ từ phát quang. Tuy ánh sáng đã phát, nhưng việc chùi rửa lại càng khẩn thiết hơn, đến một lúc công lực đạt đến cực điểm, thì toàn bộ bụi bặm đều được tẩy sạch, ánh sáng hoàn toàn khôi phục, lúc ấy tấm kiếng có thể chiếu trời chiếu đất, trở thành bảo vật trân quý của thế gian.

Phải biết ánh sáng của tấm kiếng đồng, là cái mà tấm kiếng vốn có sẵn, không phải nhờ chùi mà có. Nếu không phải là cái mà tấm kiếng vốn có sẵn, nhờ chùi mà có, thì chùi gạch chùi đá, cũng phát ra ánh sáng mới đúng. Nhưng cũng cần phải biết, ánh sáng ấy tuy là cái vốn có của tấm kiếng, nhưng nếu không ra công chùi, thì tấm kiếng vĩnh viễn không bao giờ phát sáng.

Tâm tánh của chúng sanh cũng như thế, tuy bình đẳng với Phật, nhưng nếu không cải ác theo thiện, bối trần hiệp giác, thì công đức vốn có của tâm tánh, cũng vĩnh viễn không bao giờ phát ra. Mà ngược lại còn dùng cái tâm thức Phật tánh đầy đủ vốn có của mình, đi tạo ác nghiệp trầm luân khổ hải trường kiếp. Giống như trong nhà tối, đi đụng châu báu, không những không được ích gì, mà còn bị châu báu làm cho thương tích, thật là đáng thương!

Pháp môn niệm Phật này, là diệu pháp đệ nhất, bối trần hiệp giác, trở về gốc cũ, trở về nguồn cội, đối với người tại gia mà nói, càng thân thiết hơn. Bởi vì người tại gia ở trong đời, lắm việc, muốn tham thiền hoặc tụng kinh, không phải hoàn cảnh không cho phép, mà là không đủ sức để làm.

Chỉ có pháp môn niệm Phật này là tiện lợi nhất, chỉ cần sáng tối trước Phật, tuỳ theo thời gian và năng lực, lễ Phật niệm Phật, hồi hướng phát nguyện. Ngoài thời gian đó ra, không kể đi đứng nằm ngồi, nói nín động tĩnh, mặc áo ăn cơm... bất cứ lúc nào, ở đâu cũng đều có thể niệm Phật.

Ở những nơi sạch sẽ, giờ khắc cung kính, niệm lớn hay niệm thầm đều được. Còn nếu những nơi không sạch sẽ (như trong nhà xí) hoặc những lúc không cung kính (như khi đang ngủ nghỉ, tắm rửa...), chỉ có thể niệm thầm, không được niệm lớn tiếng, chớ không phải nói những nơi không trong sạch hoặc những lúc không cung kính không được niệm Phật. Bởi vì lúc ngủ nghỉ mà niệm Phật lớn tiếng, không những không cung kính, mà còn tổn thương nguyên khí, lâu ngày sẽ sanh bệnh. Và công đức niệm thầm, cũng tương tự công đức lúc bình thường niệm ra tiếng, gọi là tâm luôn ở vào cảnh giới hiện tại, khi vội vã cũng vậy, khi gặp khó khăn cũng vậy.

Ông đã phát lộ và sám hối, điều đó phù hợp với pháp môn Tịnh độ, đó chính là cái gọi là “tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Đã biết lỗi, lại chịu phát lộ sám hối, thì cần phải cải ác tùng thiện. Nếu không cải ác theo thiện, thì sự sám hối ấy, chỉ là nói suông mà thôi.

Ông nói muốn không tham vật ngoài thân, chỉ muốn chuyên tâm niệm Phật, nhưng không cách gì nhất tâm niệm Phật được. Nếu tâm không chuyên, bắt nó chuyên; tâm không niệm được, bắt nó niệm; tâm không nhất được, bắt nó nhất, đó cũng không phải là cách hay, chỉ cần dán chữ “tử” lên trán là xong.

Trong lòng phải thường nghĩ, ta đây từ vô thỉ kiếp đến nay, đã tạo vô biên tội lỗi. Nếu tội lỗi có hình tướng, thì hư không của mười phương cũng không dung chứa hết. Ta nay được phước gì mà được làm người, lại được nghe Phật pháp. Nếu đời này không một lòng niệm Phật, cầu sinh Tây phương Tịnh độ, khi hơi thở ra không hít vào, thì nhất định phải chịu khổ nước sôi, lò lửa, núi đao, rừng kiếm trong địa ngục, và không biết phải chịu khổ ấy bao lâu trong địa ngục.

Cho dù ra khỏi địa ngục, lại phải chịu đoạ làm ngạ quỷ, bụng to như biển, cổ tợ cái kim. Trường kiếp chịu đói khát, cổ họng luôn bốc lửa, ngay cả cái danh từ “nước” cũng không được nghe đến, không bao giờ có được một bữa ăn no.

Sau khi hết kiếp ngạ quỷ, lại đầu thai làm súc sanh, kéo cày trả nợ, cung cấp thịt cho người dùng. Sau cho dù được đầu thai làm người, cũng ngu si dốt nát, coi tạo ác nghiệp là công đức, tu thiện là trói buộc, rồi sau khi chết lại bị đoạ lạc. Cứ như vậy trải qua số kiếp hằng sa, luân hồi trong lục đạo, muốn ra cũng không thể ra khỏi.

Nếu nghĩ được như thế, một lòng chuyên niệm danh hiệu Phật, thì lập tức được ngay. Cho nên Trương Thiện Hoà và Trương Chung Quỳ khi lâm chung tướng địa ngục hiện ra, sau khi họ niệm mấy tiếng danh hiệu Phật, thì lập tức thấy Phật hiện ra tiếp dẫn vãng sanh. Sự lợi ích ấy, trong 80 năm thị hiện giáo hoá của Phật, không có trong trăm ngàn vạn pháp môn. Tôi thường nói, chúng sanh trong cửu hữu, bỏ pháp môn này, trên không thể thành tựu Phật đạo; chư Phật trong mười phương, bỏ pháp môn này, dưới không thể hoá độ chúng sanh, là lý này vậy.

Nếu tâm liễu sanh tử quả thật cấp thiết, tin được pháp môn này, trong lòng không sanh một chút nghi hoặc, thì tuy hiện tại chưa ra khỏi thế giới Ta-bà, nhưng cũng đã không còn là khách của tam giới nữa. Tuy hiện tại chưa sanh lên thế giới Cực Lạc, nhưng cũng đã là khách quý của Tây phương Cực Lạc rồi. Thấy người hiền liền nghĩ đến mình có được như thế không, đối với việc nhân nghĩa quyết định không để người khác hơn, thì làm sao có thể biếng nhác, để đến nỗi cứ sai mãi? Là hàng nam tử, nhất định không chịu làm cây thịt biết đi, sau khi chết thúi mục đồng như cây cỏ. Phải cố gắng lên!

Niệm Phật cố nhiên tốt nhất là phải chuyên nhất, nhưng ông trên còn cha mẹ, dưới còn vợ con, ngoài bổn phận mưu toan cuộc sống, đừng nên cầu cuộc sống giàu có nhé! Những việc cần phải làm phải tận lực làm, đó mới là tu hành. Nếu bỏ hết tất cả, mà vẫn cung cấp được cho cha mẹ, vợ con thì có thể, không thì sẽ trái với hiếu đạo. Tuy ông nói để tu hành, nhưng thật ra là trái với lời Phật dạy, điều này không thể không biết.

Ngoài ra, còn phải bày tỏ cho cha mẹ sự lợi ích của pháp môn Tịnh độ, khuyên họ niệm Phật cầu sanh Tây phương. Nếu cha mẹ có niềm tin đồng thời hành trì theo, khi lâm chung nhất định sẽ được vãng sanh. Chỉ cần được vãng sanh, lập tức siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, dự vào hàng ngũ của chúng Bồ-tát trong hải hội liên trì, thấy Phật nghe pháp, cho đến khi thành Phật. Cái hiếu của thế gian, làm sao so sánh với cái hiếu này được.

Nếu ông và cha mẹ mang sự lợi ích của pháp môn Tịnh độ nói khắp cho mọi người biết, khiến cha mẹ của mỗi người đều được vãng sanh hết, thì công lao hoá độ chúng sanh thuộc hết về ông, đồng thời phẩm vị của cha mẹ và ông cũng được tăng cao. Kinh Thi nói: “Hiếu tử trọn lành, nhân loại luôn được ban ân.” Những ai muốn hiếu thuận với cha mẹ, phải nghĩ đến điều này.

Sách cùng thể loại
Kinh Nhật Tụng
Kinh Nhật Tụng
Chùa Hoằng Pháp
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Kinh Trường Thọ Diệt Tội
Người Dịch:
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ - Tát Địa Tạng
Nhiều tác giả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Những Câu Chuyện Về Nhân Quả
Thích Tâm Thuận
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Niệm Phật Thoát Sanh Tử
Thích Nữ Tuệ Uyển
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hoà