Câu hỏi Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 21 đến 40.
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Trong nhà con hơn năm nay thường mở băng cassette tụng kinh của quý thầy như kinh Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan. Gần đây có anh bạn kể với con, trên đường đến sở làm anh thường mở băng kinh Di Đà trên xe để nghe. Khi đến sở làm anh tắt máy vào làm việc. Khi làm anh thường làm hư hỏng đồ đạc. Lý do là các vong không được tiếp tục nghe kinh nên phá anh. Nghe xong con rất hoang mang lo sợ, không biết sự việc có đúng không? Con có nên tiếp tục nghe kinh trong nhà nữa không?
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Lúc trước con có mua một con heo, định là sẽ nuôi làm kiểng chứ không bán, nhà con ăn chay trường nên con cũng cho nó ăn chay luôn, nhưng không ngờ bây giờ nó lớn quá. Con định sẽ nuôi nó đến lúc nó chết, nhưng nghe mọi người bảo nuôi vậy là không cho nó đi đầu thai, khi về già nó sẽ thành tinh, nên con thấy lo quá. Con định đem bán nó rồi lấy tiền đó đem giúp đỡ những người nghèo và cúng cầu siêu cho nó. Con làm vậy có tội hay không? Hay con phải nuôi nó đến lúc nó chết, nếu như nó chết con cần cúng cầu siêu cho nó như thế nào? Con kính mong các quý thầy trả lời cho con được biết. Con xin cám ơn quý thầy rất nhiều.
Câu 3: Kính bạch quý thầy! Người tu theo Phật giáo đạt đến niết bàn giải thoát hoặc được vãng sinh cực lạc. Xin quý thầy hoan hỷ giảng giải cho chúng con được rõ Niết Bàn và Cực Lạc giống nhau hay khác nhau?
Câu 4: Kính bạch quý thầy! Có người nói, những người tu Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh về Cực lạc, thì những người đó thật là ích kỷ, chỉ nghĩ riêng cho mình được lợi lạc, mặc cho những người thân hay bạn bè nói rộng ra là tất cả mọi người ở cõi Ta bà nầy ai khổ mặc ai, miễn sao phần mình được sung sướng thì thôi. Xin hỏi: người nói như thế có hợp lý hay không?
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 22
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Người ta thường quan niệm trùng tang liền tang là để chỉ một gia đình có số người chết liên tiếp trong một quãng thời gian ngắn nhất định 3 năm, 2 năm hoặc một năm v…v… Thưa thầy, suy nghĩ và nhận định này đúng hay sai? Cụ thể là gia đình con năm 1997, một người chết thọ 70 tuổi là con rể, năm 2000 một cháu gái (cháu nội) chết lúc đang học lớp 12, năm 2004 bà cụ mất là chủ gia đình. Sang năm 2007, một cháu trai – 21 tuổi đã bị mất vì tai nạn xe cộ. Xin hỏi thầy chúng con những người còn lại, dù không chú ý nhưng cũng thấy rằng cứ quãng thời gian 3 năm lập lại một lần. Vậy chúng con phải làm gì để cầu siêu cho người quá cố và những người còn lại phải làm thế nào?
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Người tu theo Phật giáo đạt đến Niết Bàn giải thoát hoặc được vãng sinh cực lạc. Xin quý thầy hoan hỷ giảng giải cho chúng con được rõ Niết Bàn, và Cực Lạc giống nhau hay khác nhau?
Câu 3: Kính bạch quý thầy! Cha con năm nay 88 tuổi, mẹ con 89 tuổi. Cha mẹ con vẫn còn minh mẫn, sáng suốt. Sanh 5 đứa con: 2 trai 3 gái. Đến ngày Cha mẹ con qua đời, xin thầy lời khuyên có nên nhận phúng điếu hay không? Và việc làm đám chay sau này có lợi và hại như thế nào? Để cho anh em con được rõ. Xin thầy hoan hỷ chỉ dạy.
Câu 4: Kính bạch quý thầy! Anh trai của con năm nay 25 tuổi vừa mới qua đời được một tháng, anh ấy chết vì chơi ma túy. Ba của con vì thương anh ấy quá nên đem thiêu, và sau đó đem lưu cốt về nhà để trên bàn thờ của anh ấy trong nhà, được một tuần thì Ba của con xây một cái tháp cốt ở trước sân và để hủ cốt vào trong đó, thắp nhang cúng mỗi ngày. Bạn con nói như vậy là không nên vì anh ấy còn trẻ và chưa lập gia đình thì không nên thờ ở nhà mà nên để vào trong chùa. Nhất là chưa đủ 49 ngày thì nguy hiểm lắm, nhưng ba của con không nghe và nói bạn của con đừng can thiệp vào chuyện gia đình con. Như vậy, trong trường hợp này con phải làm như thế nào? Và việc ba con làm có đúng hay không? Xin thầy hoan hỷ chỉ dạy.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 23
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Con thấy hiện nay tình trạng đồng tính luyến ái là vấn đề đang được đề cập nhiều trong xã hội. Nhìn kĩ thì bệnh đồng tính luyến ái xảy ra và có mặt hầu như trong mọi giới. Vậy theo quan điểm Phật giáo thì những người bị căn bệnh này là do nghiệp gì? Và nó có ảnh hưởng đến cuộc sống mọi người xung quanh không? Cách hóa giải căn bệnh này theo Phật giáo như thế nào? Mong thầy hoan hỷ cho Phật tử được rõ ạ!
Câu 3: Kính bạch quý thầy! Nam Mô A Di Đà Phật! Kính bạch quý Thầy, con nghe mọi người nói người nữ vào những ngày mình “bất tịnh” thì không nên đi chùa lễ Phật, tụng kinh và ở nhà cũng không được đến bàn thờ thắp hương hoặc niệm Phật. Vì lúc đó người mình không được sạch nên sẽ có tội, điều này có đúng không ạ? Hiện tại con phải đi làm cả tuần nên chỉ đi chùa được vào những ngày chủ nhật, mà vào những ngày đó thường lại trùng với ngày con “bất tịnh”. Con rất buồn vì chuyện đó mà không biết hỏi ai, hy vọng qua chương trình Ánh Sáng Phật Pháp quý Thầy có thể giải đáp thắc mắc này giúp con. Con cám ơn quý Thầy rất nhiều.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 24
Câu 4: Kính bạch quý thầy! Cha chồng con mất hơn 100 ngày, con cúng chay thì gia đình ngăn cản, bảo khi còn sống cha con ăn mặn chứ có ăn chay đâu, nếu cúng mặn mới ăn được, còn cúng chay thì không ăn được. Con đang bối rối, xin thầy cho con lời khuyên.
Câu 5: Kính bạch quý thầy! Như con được biết, đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện đản sinh trong thế giới Ta-bà này, nên chúng ta mới có ngày rằm tháng 4 là ngày vía Đản sinh của Ngài. Vậy đức Phật A-di-đà ở thế giới cực lạc Phương tây , tại sao chúng ta lấy ngày 17 tháng 11 làm ngày vía của Ngài? Ngày vía ấy là ngày vía gì (Đản sinh, thành đạo hay nhập Niết-bàn)?
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 25
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Con là người xuất gia, mỗi khi gặp con ai nấy cũng đều chắp tay kính cẩn xá chào, con cũng cung kính xá lại. Thầy cho con hỏi: Như thế, con có bị tổn phước hay không? thêm nữa, hiện tại con thấy nhiều người mặc quần áo của người xuất gia, nhất là một số trẻ em cạo tóc rồi mặc áo quần màu vàng nên tưởng lầm là chú tiểu trong chùa nên chắp tay xá chào. Như vậy có bị tổn phước không? mong Thầy hoan hỷ giải đáp giúp con. A di đà phật.
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Con có một người cháu gái xuất gia, hiện đã thọ giới Sa di ni. Thỉnh thoảng Cô về thăm nhà vẫn “được” cha mẹ gọi tên tục như trước và sai bảo các việc linh tinh như lúc còn ở nhà. Con không rành về luật nghi trong đạo nhưng cảm thấy có gì đó… không ổn. Kính hỏi quý Thầy, những người trong gia đình nên xưng hô và ứng xử thế nào đối với người thân đã xuất gia cho đúng đạo?
Câu 3: Kính bạch quý thầy! Thưa thầy, nếu con dùng nhang điện, hoa trái giả để chưng trên bàn thờ cúng Phật, như vậy có mất đi vẻ trang nghiêm, bất kính với Phật không? Và như thế có lỗi không?
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 26
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Con có cha mẹ già, nhưng ông bà không tin Phật pháp và cũng không biết tu hành. Nay con muốn khuyên cho cha mẹ con biết Phật pháp để sau này khỏi phải đau khổ. Nhưng con không biết phải khuyên và làm như thế nào cho cha mẹ con tin và nghe theo. Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ cách thức cho con. Kính cám ơn Thầy.
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Mặc dù con chưa chính thức quy y Tam bảo để trở thành người Phật tử, nhưng hằng ngày con vẫn lo tu niệm và không làm điều gì sái quấy. Hơn nữa, con tuy ở nhà không có đi chùa, nhưng vẫn thường niệm Phật A Di Đà và cầu nguyện vãng sanh. Như vậy, khi lâm chung những người chưa là Phật tử như con có được vãng sanh về Cực lạc không? Xin Thầy vui lòng giải đáp cho con biết.
Câu 3: Kính bạch quý thầy! Con được phước duyên tu theo pháp môn Tịnh độ gần 2 năm. Con thấy rất là an lạc mỗi khi con niệm Phật. Và con cố gắng gìn giữ chánh niệm trong tâm. Xin hỏi một mai khi cơn vô thường đến, lúc đó con vẫn nhớ niệm Phật, mà không thấy Phật Di Ðà hiện đến tiếp dẫn con, như vậy, con có được vãng sanh hay không? Kính xin Thầy hoan hỷ giải đáp cho con được yên tâm. Thành kính cám ơn Thầy.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 27
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Tết năm Canh Dần vừa rồi con có đi lễ Phật đầu năm, trong khi vãng cảnh Chùa thì con thấy một trường hợp như sau:
Có một khách tham quan vào chùa lễ Phật, khoác trên người một bộ lông thú, khi người đó vừa bước vào chánh điện thì quý Thầy cản lại vì lí do chùa là nơi thanh tịnh, trang nghiêm... những người mặc đồ như vậy không được vào. Lúc đó trong vô tình con thấy trên chánh điện có cái trống làm bằng da trâu, như vậy thì phải giết con trâu đó mới có được da của nó để làm mặt trống. Trường hợp này con thấy rất mâu thuẫn, tại sao người mặc trang phục lông thú thì không được vào chùa trong khi đó Chùa lại dùng da trâu làm mặt trống. Chúng con là Phật tử chưa hiểu biết nhiều mong quý Thầy hoan hỷ giải đáp. Nam Mô A Di Đà Phật.
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Con có dịp chiêm bái Xá Lợi của Phật và chư Thánh Tăng, nhưng con vẫn còn có thắc mắc làm sao biết đó là Xá Lợi thật? Và Xá Lợi có mấy loại? Con còn nghe nói nếu thờ Xá Lợi đúng cách thì Xá Lợi sẽ sinh thêm ra nhiều hơn số lượng ban đầu. Xin hỏi Thầy điều này có đúng không ạ? Mong Thầy hoan hỷ cho Phật tử được rõ.
Câu 3: Kính bạch quý thầy! Nguyên thủy gia đình nội ngoại của con đều là Phật tử. Ba con đã mất và gia đình đang định cư ở Canada được 27 năm rồi.
Mẹ con năm nay đã 74 tuổi, phát tâm ăn chay trường, cũng tụng kinh và niệm Phật. Nhưng con thấy Mẹ con đeo trong cổ cùng một lúc hai mặt dây chuyền. Một mặt là tượng Phật và một mặt là tượng Chúa, có đêm bà không tụng kinh Phật mà đọc kinh Chúa! Và nói với con là “lúc Mẹ chết đem thân xác Mẹ vào đất Chúa mà chôn”. Đứng trước hoàn cảnh này con không biết phải làm sao? Nếu làm theo ý của Mẹ mà gia đình nội ngoại biết được thì không đồng ý, còn nếu làm theo ý của gia đình là chôn Mẹ trong nghĩa trang Phật giáo thì Mẹ con có được siêu thoát không? Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy và hướng dẫn cho con. Kính tri ân thầy.
Vừa qua con có thấy một số trường hợp Phật tử nữ khi nói chuyện với chư Tăng có thái độ quá thân mật và gần gũi, có những biểu hiện khiến người khác hiểu lầm ( mặc dù hai người không có ý gì cả). Nhưng con thiết nghĩ đã là Phật tử thì khi tiếp xúc và nói chuyện với chư Tăng cần phải có khoảng cách và giữ oai nghi nhất định nào đó. Vậy Phật tử chúng con phải làm thế nào cho đúng với phép tắc trong đạo. Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy. Nam Mô A Di Đà Phật.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 28
Câu 1: Kính bạch Thầy! Con có xem đĩa chương trình Ánh sáng Phật pháp của chùa Hoằng Pháp, quý Thầy dạy mỗi khi gặp Ma thì niệm Phật hoặc trì chú là Ma Vương sợ biến mất, tức là Phật lớn hơn Ma. Nhưng sao con thấy có câu nói “Phật cao một thước, Ma cao một trượng” nếu vậy thì Ma lớn hơn Phật thì khi gặp mà niệm Phật, trì chú sao Ma biến mất được? Kính mong Thầy hoan hỷ giảng cho con nghe.
Câu 2: Kính bạch Thầy! Con là Phật tử nên thường hay nghe băng thuyết pháp. Quý Thầy có dạy “Thân người khó được, có phước lớn mới được làm người, ai cũng không được và không nên hủy hoại thân thể của mình”. Vậy đối với việc các bậc cao tăng hủy hoại thân mình vì Phật pháp như Hòa thượng Thích Quảng Đức, hay các vị khác tự chặt cánh tay, dùng nhang nóng châm trên đỉnh đầu… như vậy có mang tội không? Và làm như thế có ảnh hưởng gì đến việc giải thoát hay không? Mong thầy hoan hỷ giải đáp.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 29
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Con rất khổ tâm thưa quý Thầy. Chuyện là con lập gia đình đã hơn 3 năm. Chồng con là con trai cả trong nhà nên mọi thành viên trong gia đình trông mong và hy vọng rằng vợ chồng con sẽ sanh cho gia đình một đứa cháu trai đích tôn. Nhưng mới đây con đã làm cho cả gia đình chồng thất vọng khi một lần nữa sanh con gái. Việc sanh con gái khiến chồng con buồn vì đây là cháu gái thứ hai, mà chồng con là công nhân viên chức thuộc quy chế nhà nước nên việc có thêm con là không thể. Trước thái độ hờ hững của chồng cùng nỗi thất vọng của các thành viên trong gia đình, con cảm thấy mình như là kẻ gây tội. Kính bạch quý Thầy! Với bổn phận của một người vợ, người mẹ, người làm dâu con phải làm sao để vượt qua thử thách này và phải hành xử như thế nào để mọi người trong gia đình có thể cảm thông cho con, khi việc sanh con chính bản thân con cũng không thể chủ động được. Con xin chân thành cảm ơn quý Thầy.
Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Trong những năm trở lại đây nhân loại luôn phải chứng kiến và hứng chịu nhiều đợt thiên tai tàn khốc, đặc biệt là trận động đất, sóng thần vừa rồi tại Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người dân vô tội và phá hủy biết bao tài sản của cải. Là một người Phật tử nên con biết đó là do nhân quả của chính con người tạo ra, trong khi đó những tín đồ của các tôn giáo khác lại không cùng quan điểm như con. Họ cho rằng hiện tượng thiên tai xảy ra là do con người không tin theo hoặc chống đối lại Thượng đế khiến Ngài nổi giận mà giáng họa. Khi nào con người biết tin theo và phục tùng Thượng Đế thì thảm cảnh mới được dừng lại. Con không tin là có chuyện đó. Nhưng bằng cách nào có thể thuyết phục được mọi người? Bằng tuệ giác của Đức Phật thì có thể giải thích tường tận những hiện tượng kể trên. Và thông qua chương trình ngưỡng mong quý Thầy vì để khẳng định niềm tin chánh pháp cho quý Phật tử cũng như xóa tan những lầm nghi trong quần chúng mà từ bi giải đáp. Kính chúc quý Thầy Thân tâm thường lạc, kiết tường.
Câu 3: Kính bạch quý Thầy! Con là một Phật tử và con rất ngưỡng mộ Đạo Phật. Sở dĩ con biết đến đạo Phật là nhờ bạn trai con hướng dẫn. Chúng con thường đến chùa nghe pháp, sám hối vào những ngày rằm và tham dự các kỳ tu một ngày tại chùa Hoằng Pháp. Nhận thấy đạo Phật ngoài việc hướng dẫn con người sống hướng thiện, hướng thượng còn chỉ bày những giải pháp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của kiếp người. Nhờ có những giá trị đích thực đó mà tình yêu của chúng con được nuôi dưỡng bền vững sau bao nhiêu năm quen nhau. Hiện tại chúng con đang tính đến chuyện kết hôn và mong muốn ngày hạnh phúc của mình sẽ được tổ chức tại chùa. Chúng con nghĩ rằng, ngày kết hôn nếu được sự chứng minh của Tam bảo, được chư Tăng chỉ dạy về những trách vụ làm chồng, làm vợ, làm dâu, làm mẹ… thì chắc chắn cuộc sống hôn nhân gia đình sẽ tốt đẹp, vững bền. Nhưng thưa quý Thầy! vấn đề kết hôn tại chùa con thấy chưa được phổ biến lắm. Thiết nghĩ đã là một người Phật tử, thì ngày kết hôn của mình nên đến chùa làm lễ hằng thuận. Vậy xin quý Thầy cho chúng con được biết ai là người sáng lập nên lễ hằng thuận và ý nghĩa của nó là gì? Cách thức tổ chức, những điều kiện, tiêu chuẩn? Hy vọng trong tương lai lễ hằng thuận trong Phật giáo ngày một phổ biến và gần gũi hơn với mọi người, đặc biệt là những người đang bước vào đời sống hôn nhân gia đình như chúng con. Con xin chân thành biết ơn quý Thầy, chúc quý Thầy sức khỏe, an lạc.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 30
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Con có một điều thắc mắc xin nhờ quý Thầy giải đáp: hiện nay có một bộ phận các bạn trẻ mỗi khi gặp chuyện đau buồn trong cuộc sống thường nghĩ đến biện pháp hủy hoại thân thể như: rạch tay, khắc chữ trên tay, xăm hình lên thân thể, uống rượu bia…, thậm chí là tự tử. Con biết như vậy là không thương mình, không thương những người thân, đặc biệt là người đã sinh ra mình. Nhưng lý do của các bạn ấy là: lấy nỗi đau thể xác để chế ngự nỗi đau trong tâm hồn. Vậy con xin hỏi quý Thầy trong tình trạng tinh thần túng quẫn như thế, ta phải làm gì để đủ tỉnh táo nhằm tránh đi sự hủy hoại bản thân? Xin quý Thầy cho các bạn trẻ một lời khuyên, con chân thành tri ân quý Thầy.
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Con có một nỗi khổ tâm Thầy ạ! Mẹ con làm nghề buôn bán Ma túy, nhưng con chính là người đi báo công an để bắt mẹ. Thầy ơi! Có phải như thế là bất hiếu không ạ? Con phải xin lỗi chính mình và xin lỗi mẹ như thế nào? Vì con không muốn mẹ con đi sâu vào con đường tội lỗi nữa. Xin Thầy chỉ dạy cho con lẫn mẹ con phương pháp nhằm vượt qua sự thật phũ phàng này để con bớt đi sự ấy náy và đau khổ trong lòng. Con thành kính tri ân và chúc quý thầy an lạc.
Câu 3: Kính bạch quý Thầy! Quý thầy thường dạy chúng con phải biết yêu thương và nhớ ơn sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ. Nhưng sự thật đã có không ít người cha người mẹ nhẫn tâm bỏ rơi con mình khi vừa mới sinh ra hoặc giết chết con mình lúc còn trong bụng. Con là một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, từ lâu con không biết hai tiếng mẹ cha là gì, thậm chí con cũng không biết mẹ cha của mình là ai, còn sống hay đã chết. Đã là con người tại sao lại nhẫn tâm đến thế hả Thầy, phải chăng ba mẹ không thương yêu giọt máu ruột thịt của mình. Khi nhìn các bạn đồng trang lứa hạnh phúc bên mẹ cha thì lòng con như tan nát theo đó là nỗi căm hờn cha mẹ. Tại sao lại sinh con ra mà không cho con hạnh phúc được có cha có mẹ? Tại sao lại bỏ con? Con nào có lỗi lầm gì đâu, phải không Thầy? Khi con tham dự khóa tu mùa hè, qua những bài pháp về tấm lòng vĩ đại của cha mẹ, quanh con ai cũng khóc, nhưng con không khóc được Thầy ạ, tuy thế mà lòng con rất đau. Thầy ơi! Con khao khát được có cha hoặc chỉ mẹ thôi cũng được. Con cũng muốn tha thứ cho người đã bỏ rơi mình nhưng con không tìm ra lý do nào thật xứng đáng để bao dung được cả. Kính xin quý Thầy chỉ dạy cho con phương pháp nào để lòng con bớt hận thù, tủi thân và có thể bao dung cho cha mẹ mình, được không Thầy?
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 31
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Tại Việt Nam chúng ta, đặc biệt là ở miền bắc, người dân mang nặng tập tục đốt vàng hóa mã cho người đã chết. Tìm hiểu kinh điển Phật giáo, biết rằng đức Phật chưa bao giờ dạy điều này, mà đây rõ ràng là tín ngưỡng dân gian. Việc đốt vàng hóa mã vừa lãng phí tiền của người sống và không ích lợi cho người chết. Trước vấn nạn này, kính xin quý thầy giải bày tường tận mặt tiêu cực, để qua đó giúp mọi người ý thức được việc làm của mình và áp dụng phương pháp nào để mang lại lợi lạc cho người sống lẫn người mất. Thành kính tri ân quý thầy
Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Vào ngày rằm tháng bảy, một số nơi ở miền trung có truyền thống cúng tế tổ tiên ông bà với mục đích xá tội vong nhân. Việc làm này mới nghe những tưởng có hiếu đạo đối với tổ tiên ông bà quá vãng, trên thực tế để cúng tế tổ tiên con cháu trong dòng họ phải giết heo, gà, vịt... Việc giết các con vật với mục đích cúng tế cầu nguyện cho người chết được siêu thoát là điều hết sức phi lý và đi ngược lại với luật nhân quả. Đối với tập tục này, kính xin quý thầy giảng giải về luật nhân quả và nêu lên quả báo của việc sát sinh đối với người sống và ảnh hưởng của nó đối với người chết. Kính chúc quý thầy sức khỏe, an lạc.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 32
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Ông bà ta thường dạy “ở hiền gặp lành”, câu nói này mang đậm triết lý nhân quả của Phật giáo.Tuy nhiên trên thực tế một số người làm các loại hình nghề nghiệp xấu ác, phạm luật pháp nhưng đời sống luôn may mắn; ngược lại không ít người nỗ lực làm thiện, biết cống hiến cho xã hội thì đời sống lắm lúc ngặt nghèo, chông chênh thậm chí chịu nhiều tai ương. Hai trường hợp trái nghịch trên khiến nhiều người không dám tin vào chân lý “Ở hiền gặp lành”. Đối với vấn đề này, kính xin quý Thầy giải thích tường tận luật nhân quả để thiết lập niềm tin vững chắc cho người Phật tử.
Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Tịnh độ là một pháp tu dành cho hành giả thực hành lý tưởng giải thoát sinh tử bằng cách niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương cực lạc, cõi nước của đức Phật A-di-đà. Tiêu chí tích cực là thế, tuy nhiên một số người vì không tin hoặc không thích Phật giáo hoặc do thiếu sự hiểu biết về các pháp tu Phật giáo hoặc do nghe người khác đồn đại rồi vội tin theo và cho rằng Pháp môn niệm Phật để dành cho những người chán sống, những ai vào chùa niệm Phật là để cầu chết. Họ kết luận, đạo Phật là đạo chết, đạo dành cho người chết và là một tôn giáo tiêu cực, bi quan, yếm thế. Để thay đổi nhận thức cho nhiều người ngộ nhận về Phật giáo, đặc biệt là ngộ nhận về pháp môn niệm Phật. Xin quý Thầy nêu lên tôn chỉ và mục đích tu hành thoát khổ vốn được xem là tích cực chứ không hề tiêu cực như một số người quan niệm.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 33
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Những năm trở lại đây thế giới trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là biến cố về kinh tế. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, hàng loạt người thất nghiệp và không ít các nhà tỷ phú, nhà đầu tư, giới thương gia vẫy tay chào cuộc đời bằng cách tự tử. Đứng trước vấn nạn này, phương pháp chuyển hóa nào của Phật giáo có thể giúp đỡ người lâm vào tình trạng“thất cơ lỡ vận”vực dậy sau biến cố để gầy dựng lại sự nghiệp và phải làm gì để cứu độ những vong linh chết vì tự tử sớm được siêu thoát, vì người chết bằng cách tự tử thường mang theo nhiều tâm lý luyến tiếc, chấp trước và khổ đau tột cùng. Kính mong quý Thầy từ bi chỉ dạy!
Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Con là một Phật tử có quá trình đi chùa tu tập khá lâu, với những gì con biết thì độ tuổi từ 40 trở lên tới chùa nhiều hơn độ tuổi thanh thiếu niên. Phải chăng quan niệm“trẻ vui nhà già vui chùa”là một trở ngại khiến nhiều bậc phụ huynh không dám khích lệ con em mình tới chùa tu học Phật pháp, hoặc do giới trẻ ngại không dám tới chùa vì nghĩ rằng chùa chỉ dành cho người lớn, người già. Đạo Phật vốn bình đẳng và cửa chùa rộng mở như là một địa điểm bình yên để tất cả mọi người không phân biệt già - trẻ, trai - gái, địa vị, giai cấp, giàu - nghèo, sang - hèn… quay về nương tựa. Với tinh thần bình đẳng của đạo Phật kính xin quý Thầy giảng giải về ý nghĩa của ngôi chùa đối với quần chúng.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 34
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Gia đình con là một gia đình Phật tử, nên ngay từ nhỏ, con đã cho các cháu tham gia gia đình Phật tử. Khi nhỏ, các cháu đều tỏ ra rất thích thú với những tích truyện tiền thân đức Phật, những mẩu chuyện về sự tích Quán Thế Âm hay Phật đản sinh... Nhưng khi lớn lên, chúng không còn tin vào những câu chuyện này nữa. Chúng nói: “Đức Phật dạy con người nghệ thuật sống tích cực, mang lại hạnh phúc chân thật, đã là người Phật tử thì phải tin sâu nhân quả, ứng dụng tứ diệu đế vào cuộc sống hàng ngày. Hơn nữa, thái tử Tất-đạt-đa là một người có thật ở đất nước Ấn Độ, còn những điển tích nói về ngày Thái tử đản sinh như: Chư Thiên bay xuống nâng đón và tắm rửa khi thái tử chào đời, Thái tử bước đi bảy bước và dưới mỗi bước chân nở một bông sen, Thái tử đưa tay lên trời và nói: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" chỉ là truyền thuyết. Kính xin quý Thầy cho biết ý nghĩa của những hình ảnh vừa nêu trên? Và ý nghĩa của ngày Phật đản sinh?
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Con là một sinh viên. Con có nhân duyên được tham gia chương trình Sinh viên hướng về Phật pháp. Nhờ được nghe quý thầy giảng về cuộc đời của đức Phật, đặc biệt là ý nghĩa ngày Phật đản sinh, nơi tâm con đã phát khởi một niềm tin vững chắc vào Tam Bảo. Con rất muốn tham gia hưởng ứng theo truyền thống mừng ngày Phật đản như: treo cờ, làm vườn Lâm-tỳ-ni… nhưng vì ở ký túc xá nên con không thể làm được. Nên con nghĩ rằng, mình có thể chào mừng ngày Phật đản, bằng cách tự tạo ra các mẫu thiệp trên đó có hình Phật đản sinh kèm theo những lời chúc tốt lành nhất đến mọi người vào các ngày lễ tết, nhưng bạn con lại cho rằng: “Đức Phật là bậc Đại Giác Ngộ, vì vậy không thể in hình Phật đản sinh lên các tấm thiệp, vì người nhận có thể không biết, hoặc vô tình đặt những tấm thiệp có hình Phật vào những nơi không thanh tịnh, do vậy tốt nhất là không nên làm”. Kính bạch thầy! Bạn con nói như vậy có đúng không? Ngoài những cách vừa nêu thì con nên làm những gì để chào mừng ngày Phật đản sinh?
Câu 3: Kính bạch quý thầy! Vợ chồng con vừa mới quy y Tam Bảo được gần một năm và đều làm trong lĩnh vực kinh doanh. Từ ngày biết và áp dụng lời Phật dạy, đời sống của chúng con trở nên an lạc và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, cách đây một tháng, có người bạn đồng tu, tới khuyên vợ chồng con rằng: “Để chào mừng ngày Phật đản sinh, phải có những hành động thiết thực như: Học sinh nhân ngày Phật đản thì gắng học để đạt được điểm cao, thầy thuốc nhân dịp này có thể tổ chức các kỳ khám chữa bệnh miễn phí, nhà kinh doanh thì nên giảm giá các mặt hàng của mình… miễn sao đem lại lợi ích thiết thực cho đời.” Con cũng đồng ý với quan điểm này, và dự tính sẽ in băng rôn, và làm các bảng hiệu giảm giá. Nhưng vợ con lại cho rằng điều này là không được. Vì làm như thế có khác gì là lợi dụng ngày Phật đản sinh để lôi kéo khách hàng? Vậy là đồng nghĩa với việc “buôn thần bán thánh”. Kính xin quý thầy hoan hỷ cho chúng con lời khuyên?
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 35
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Con là một phật tử nhưng gia đình con không tin Phật giáo. Hễ có gia sự từ việc cưới hỏi, người thân qua đời, con cái thi cử, khai trương, làm nhà, đi xa làm ăn, mua bán, sinh con đẻ cháu, thậm chí là chuyện cãi vã, bất đồng giữa các thành viên trong gia đình, mẹ con đều đi xem bói, xem ngày giờ, kiêng cữ, cúng sao, giải hạn… Con đã nhiều lần chia sẻ với mẹ không nên làm như thế vì đó là mê tín, không giải quyết được vấn đề. Mẹ con mắng con và cấm con không được đi chùa nữa. Con rất khổ tâm không biết nên khuyên mẹ nữa hay không. Kính mong quý thầy chỉ cho con phương pháp để giúp mẹ con cũng như các thành viên trong gia đình thay đổi được niềm tin mê tín, hướng đến chân chính để tránh những tổn hại về sau. Con kính tri ân quý thầy!
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Con là một sinh viên, mấy năm trở lại đây con có duyên lành được tiếp cận Phật pháp thông qua các bài giảng của quý thầy trên các trang web Phật giáo. Quê con ở miền bắc, gia đình con không biết đến đạo Phật và mẹ con là một người đam mê đồng bóng. Tìm hiểu giáo lý đạo Phật con biết đây là việc làm mê tín, không một chút lợi ích trong việc chuyển hóa bế tắc của cuộc sống. Nhiều lần về quê con đã chia sẻ với mẹ về khía cạnh tiêu cực của việc đồng bóng nhưng vì niềm tin và thói quen đồng bóng đã ăn sâu vào tiềm thức trở thành thói quen nên mẹ con nhất quyết không nghe mà ngược lại còn mắng con và phỉ báng đạo Phật. Sau vài lần chia sẻ không thành con không dám đề cập đến vấn đề này nữa vì sợ mẹ lại phỉ báng Phật giáo mà mang tội nhưng phận làm con cảm thấy đau lòng khi chứng kiến mẹ mình đi vào con đường tà kiến mà không giúp gì được. Kính xin quý thầy khai thị cho mẹ con cũng như nhiều người đam mê đồng bóng khác thấy được mặc tiêu cực để từ bỏ và tìm cho mình một hướng đi an lành, tốt đẹp. Con kính chúc quý thầy sức khỏe, trí tuệ.
Câu 3: Kính bạch quý Thầy! Con nghe người ta nói rằng những cặp vợ chồng nào muốn sinh con thì hãy chọn năm Rồng. Em bé mang tuổi Rồng lớn lên sẽ có sức khỏe, xinh đẹp, thông minh, nhiều tài năng và tương lai sẽ có địa vị lớn trong xã hội. Rồng là con vật linh thiêng nhất trong tứ Linh, bao gồm: Long, Lân, Quy, Phụng. Rồng được nhân gian tôn sùng - thờ tự, có sức mạnh và oai lực nhất trong 12 con giáp. Chính vì lẽ đó mà đầu năm nhiều cặp vợ chồng đã tìm đến chùa cầu nguyện trong năm sẽ hạ sinh một quý tử tuổi Rồng. Kính bạch quý thầy! Đối với vấn đề sinh con, xin quý thầy cho lời khuyên. A-di-đà Phật!
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 36
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Vào mỗi chiều con thường đến chùa tụng kinh. Sau mỗi thời kinh, vị thầy chủ sám có đọc tên cầu an cho người sống và cầu siêu cho người đã chết. Kính xin quý thầy cho con biết đọc tên cầu an cho người sống thì người sống có được gặp may mắn, bình an có thường được đức Phật che chở gia hộ không? Đọc tên cầu siêu cho hương linh, cô hồn... thì những hương linh, cô hồn có nghe được không? Đọc tên cầu siêu như thế thì những hương linh cô hồn có được siêu thoát không?
Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Như con được biết, có những người mẹ khi mang thai được bác sĩ cho biết rằng cái thai nhi bị dị tật cần phá bỏ, nhiều người mẹ vì quá thương giọt máu của mình nên cố gắng bảo vệ đến cùng với hy vọng khi đứa trẻ sinh ra sẽ tốt lành hơn. Đó là tình thương vĩ đại của người mẹ đối với con. Nhưng con nghĩ rằng, nhưng đứa trẻ tật nguyền đó sinh ra thì chỉ có một số ít có thể vượt qua được những nỗi bất hạnh của số phận. Những đứa trẻ đó thường rơi vào tâm lý tự ti mặc cảm, buồn tủi, hận đời, hận người sinh ra chúng từ đó sống xa lánh mọi người, xa lánh cộng đồng. Dù có thông minh, học giỏi đến đâu nhưng với những khiếm khuyết về ngoại hình khó có thể kiếm được công ăn việc làm cũng như sự giới hạn trong việc phụng sự xã hội. Cuộc sống hiện nay những đứa trẻ như thế rất khó sống hòa đồng, giúp ích cho xã hội. Dù vật chất có đủ đầy đi chăng nữa thì nỗi mặc cảm về ngoại hình vẫn làm cho con người ta buồn khổ, mất niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống. Vậy con muốn hỏi, việc sinh ra những thân phận khiếm khuyết nhưu thế có thật sự là một việc làm nhân đạo hay không? Nên giữ hay nên bỏ thai nhi đó? Đối với bản thân những người dị tật đó phải có lối sống, cách suy nghĩ như thế nào để vượt lên số phận? Xin quý thầy hoan hỷ giải đáp giúp.
Câu 3: Kính bạch quý Thầy! Con biết mình là người có lỗi vì hiện tại con là một người đồng tính và bạn bè con cũng là những người đồng tính. Nhưng đối với bạn bè con thì ba mẹ con đối xử tốt nhưng riêng con thì khắt khe và xem con là đứa hư hỏng. Vậy con phải làm cho ba mẹ hiểu, bởi con đâu muốn như thế, con cũng rất muốn làm người bình thường nhưng không được. Thật lòng con luôn hằng mong trở thành một người bình thường để chuộc lại lỗi lầm với ba mẹ và để trở thành người tốt. Xin thầy cho con lời khuyên và lối thoát đối với căn bệnh của con.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 37
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Mấy năm trở lại đây, con chứng kiến được nhiều người bị vong nhập. Con thắc mắc không biết trường hợp nào là bị vong nhập để khỏi lầm tưởng với người mắc bệnh tâm thần? Tại sao nữ giới lại dễ bị vong nhập hơn là nam giới? Nguyên nhân nào khiến vong linh nhập vào người sống và đối tượng là ai? Phương pháp trị liệu tâm lý cho người bị vong nhập? Lễ cầu siêu trong Phật giáo có giúp vong linh siêu thoát hay không?.
Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Có một lần con tới chùa lễ Phật, khi ra phía sau hậu tổ lễ các vị A La Hán, người bạn đi cùng con hỏi rằng: tại sao 18 vị Thánh La Hán thờ trong chùa lại có hình tướng gầy ốm, kỳ dị, không đầy đặn, xinh đẹp, hiền từ như đức Phật. Câu hỏi của bạn con khiến con vô cùng lúng túng. Kính xin quý thầy cho chúng con được biết danh từ A La Hán nghĩa là gì? Con số 18 có ý nghĩa như thế nào? Vì sao các vị Thánh La Hán lại có hình tướng kỳ dị như thế?
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 38
Câu 1: Kính bạch quý Thầy! Con là một Phật tử mới quy y Tam Bảo, khi chưa là Phật tử con thường đi làm từ thiện và việc làm đó con vẫn duy trì cho đến bây giờ. Mới đây con phát nguyện sẽ hộ trì Phật pháp bằng cách cúng dường, bố thí tiền mặt cho những ngôi chùa có nhiều Phật sự để hỗ trợ kinh phí cho quý thầy hoằng pháp lợi sinh. Nhưng người bạn của con thì nói rằng: “Cúng dường thì nên chọn những ngôi chùa nghèo, linh thiêng và nên cúng dường tượng Phật, Bồ-tát thì sẽ có nhiều phước báu hơn là cúng tiền mặt.” Tâm con rất muốn bố thí, cúng dường nhưng nghe bạn con nói như thế con rất băn khoăn, không biết mình nên cúng như thế nào để đem lại lợi lạc cho chùa và cho mọi người. Con kính xin quý Thầy từ bi giảng cho con biết cách thức và ý nghĩa của việc bố thí cúng dường. Con kính tri ân quý Thầy.
Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Trong xã hội văn minh ngày nay, không ít các bạn trẻ có đủ điều kiện để phẫu thuật thẩm mĩ, thậm chí là thay đổi giới tính. Xin Thầy cho biết việc làm như thế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, nhân cách đạo đức của một con người hay không? Có nghịch với lý nhân quả của tự nhiên không? Phương pháp tu tập nào của đạo Phật có thể chuyển hóa thân tâm của con người từ xấu trở thành tốt đẹp không thưa Thầy? Con thành tâm cám ơn quý thầy, chúc quý Thầy an lạc, sức khỏe.
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 39
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Con rất ngưỡng mộ và tin tưởng những lời Phật dạy, muốn đến chùa quy y Tam Bảo để được làm con Phật, nhưng vì con làm nghề nông, muốn sản lượng lúa, hoa mầu cao thì phải thường xuyên xịt thuốc trừ sâu, trị rầy, diệt chuột... theo như lời Phật dạy thì việc làm này là sát sinh, nhưng nếu không làm như thế thì cả năm sẽ thất thu. Con rất khổ tâm về việc này vì sợ quả báo đau khổ về sau. Con kính xin quý thầy cho con một giải pháp để có thể quy y Tam Bảo, thọ trì 5 giới mà không phạm vào giới sát sinh?
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Gần đây khi đi chùa, chúng con nhận được những tờ rơi, trong đó bắt đầu bằng câu: “Gửi người may mắn”. Đọc vào nội dung của những tờ rơi thường nêu ra hai sự kiện: “Ai hoan hỷ bằng cách sao chép hoặc photo, phước báu sẽ đến với gia đình. Ngược lại, không hoan hỷ làm, bất hạnh sẽ khó có thể tránh khỏi”. Bạch thầy, đứng trước tình huống này chúng con phải làm gì?
ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 40
Câu 1: Kính bạch quý thầy! Trong thời gian vừa qua con gặp một sự cố. Vào ngày giỗ ba con, trên bàn thờ gia tiên có 3 di ảnh là của ba, mẹ và chị con. Con bày một mâm cơm cúng ba còn trái cây cúng mẹ và chị. Đứa em con không chịu cách bày biện cúng như thế. Con giải thích là người chết sau 49 ngày phải tùy theo nghiệp mà đi tái sinh, cúng chỉ là để tưởng nhớ chứ người chết không ăn được. Thế là em con lại hỏi: “Nếu nói vậy thì cúng 100 ngày cho người chết để làm gì?” Con thật sự không biết phải trả lời sao nữa, đành im lặng. Con kính xin thầy từ bi chỉ dạy để chúng con được hiểu hơn về ý nghĩa của việc thờ cúng, làm giỗ cho hương linh. Và làm thế nào để biết hương linh đã đi tái sinh?
Câu 2: Kính bạch quý thầy! Chúng con đều là Phật tử, có duyên lành với nhau từ khi tham gia khóa tu ở chùa. Hiện chúng con đã nên vợ nên chồng, có một cháu gái ngoan và sống cùng với ông bà ngoại. Nhưng cuộc sống của gia đình chúng con ngày càng trở nên lạnh lẽo vì ông xã con quá chăm chỉ đi chùa. Các công việc trong gia đình anh đều bỏ mặc nhường hết cho bố mẹ vợ để đi chùa làm công quả. Với anh, vợ con buồn cũng không sao, còn bạn đồng tu buồn là trên hết. Con đã nói chuyện, góp ý nhiều lần nhưng anh không hề thay đổi. Anh còn nói vì có vợ con mà trở ngại bước đi chùa tu tập của anh... Trong thời gian gần đây, chồng con có ý muốn ăn chay trường. Mẹ chồng con bảo “Trường chay thì phải diệt dục”, và chồng con có ý muốn làm theo như vậy nên hay lảng tránh con. Cho con hỏi có phải khi quy y Tam Bảo thì phải kiêng tuyệt đối chuyện gần gũi vợ chồng không? Và có nên cắt đứt nợ duyên này để cả hai cùng cảm thấy thoải mái? Anh được tự do còn con không phải thêm nghiệp sân hận, không phải thêm nghiệp ác khẩu. Kính mong thầy cho con một lời khuyên?