Suy Ngẫm

Cúng Dường Phiền Muộn Trong Tâm – Phần Cuối

Cập nhật: 23/01/2017
Ngạc nhiên chưa! Bí quyết trừ tà chữa bệnh trầm cảm và phiền muộn là mở lòng ra, nhìn ngắm chúng và chuyển hóa chúng thành tấm lòng rộng mở thương yêu đến những cảnh đời bất hạnh.
 

Cúng Dường Phiền Muộn Trong Tâm – Phần Cuối

 

Đối với những nỗi phiền muộn lớn hoặc trầm cảm nặng, chúng cũng có thể được giải tỏa nhờ tấm lòng rộng mở và sự tinh tế nhưng ta cần phải làm nhiều hơn thế để giải quyết rốt ráo vấn đề. Đây có thể là những cú sốc khi cha mẹ hoặc con cái qua đời hay người mà bạn thương yêu bị bệnh ở giai đoạn cuối. Mọi việc sẽ vĩnh viễn thay đổi, không thể cứu vãn và không thể quay ngược lại thời gian. Hay đôi khi bạn bị trầm cảm không có nguyên nhân rõ ràng, mà có vẻ vòng trầm cảm ngày càng nặng này không có khởi đầu, đoạn giữa, cũng không hẹn ngày kết thúc. Vậy bạn sẽ làm gì?

Thực ra tôi không biết phải cho lời khuyên thế nào, nhưng tôi có thể chia sẻ với bạn những gì tôi làm khi rơi vào khủng hoảng. Tôi nhớ lại điều mà giảng viên Phật pháp Reggie Ray nói với một khóa sinh trong một khóa tu thiền kéo dài một tháng tại Colorado Rockies. Chúng tôi đã thực hành được khoảng hai tuần thì một người đàn ông trẻ tuổi nêu câu hỏi rằng anh ta sẽ phải ngồi thiền trong bao lâu để có thể thoát khỏi những tâm trạng kích động căng thẳng, lo âu đáng sợ hoặc đen tối đang hoành hành trong tâm. Tôi muốn nói rằng ngay cả sau khi ngồi thiền năm đến sáu giờ một ngày trong vòng hai tuần, thì mọi việc vẫn chưa thấy thay đổi gì và tâm anh ta vẫn còn xáo động theo kiểu như vậy. Vậy chàng trai trẻ này nên làm gì? Reggie nói, "Vâng, bạn luôn luôn có thể cúng dường hoặc dâng tất cả những điều đó lên cho thượng đế (vì đây là người Châu âu, họ tin Thượng đế, Chúa trời). Ngài yêu thích tấm lòng thành kính của chúng ta khi dâng cúng". Điều này có vẻ là một gợi ý hoàn toàn hợp lý. Tất cả chúng tôi đều gật đầu đồng ý với đề nghị này và mọi người tiếp tục khóa tu thiền định

Sau khi trở về nhà, tôi chiêm nghiệm về lời khuyên của vị thầy và ngày càng thấy sáng ra. Dù ban đầu tôi chưa thật sự thấu hiểu hết ý nghĩa thì lời khuyên vẫn rất hữu ích đối với tôi. Trong những năm qua, tôi cứ suy đi nghĩ lại về thông điệp này không biết bao nhiêu lần. Bất cứ khi nào tôi bị rơi xuống đáy hoặc không biết phải làm gì tiếp theo, tôi liền nghĩ “hãy cho đi”, “tôi xin dâng cúng điều này” và tôi thấy trút được gánh nặng. Đây không phải là cảm giác của việc dùng thuốc tê, bạn đọc câu “thần chú” đó lên như tiêm thuốc tê và bạn không thấy đau nữa. Không phải vậy! Tôi cho rằng cảm giác nhẹ nhàng sau khi phát nguyện:”tôi xin cúng dường” như là một món quà dâng cúng, một loại món ăn tinh thần. Mặc dù tôi không hiểu lắm về giá trị "món quà" của tôi khi dâng cúng nỗi khổ đau thay vì là một lễ vật có giá trị nào đó, tôi vẫn cứ cúng dường. Tôi cũng không biết được là cúng dường cho ai, vị nào sẽ nhận lấy vật phẩm cúng dường đặc biệt này. Có thể đó là vũ trụ, là thầy của tôi, là chính tôi hay là một vị trời nào đó đang quan tâm và hỗ trợ tôi thiền định chẳng hạn. Tôi cảm thấy biết ơn vì cú sốc của tôi đã được dỡ bỏ và tâm tôi bình yên trở lại. Tôi biết ơn vị Bồ Tát nào đó đã tử tế nhận lấy tấm lòng thành của tôi khi tôi đang khốn khổ. Tôi nghĩ về Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Đại Thế Chí Bồ Tát, tôi không còn thấy sự hèn kém yếu đuối của tôi nữa mà thay vào đó là sự lung linh, chấn động trong tâm và sáng lòa. Sự bùng nổ của xanh, đỏ và xanh lá cây hòa cùng nhau như pháo hoa.

Tôi đã áp dụng bài tập này cho học viên của tôi. Hầu hết các bạn ấy không nói gì về hình tượng mà các bạn ấy cảm nhận vì thế tôi hỏi ai là Đấng mà các bạn ấy kính ngường hoặc tôn thờ? Và tôi nhận được tất cả các loại câu trả lời, từ Chúa Giêsu đến Đức Mẹ hoặc là không có ai… Không vấn đề gì. Hãy thành tâm cúng dường nỗi niềm của mình đến một vị nào đó mà bạn có thể đã biết hoặc chưa biết tên; rồi bạn sẽ nhận được sự an lạc.

Bài viết được chuyển thể từ tiểu luận của Susan Piver, ,“The Sadness in Bliss”, từ quyển “Đêm tối trước rạng đông: định nghĩa lại cuộc hành trình xuyên qua khủng hoảng", biên tập bởi Tami Simon, xuất bản bởi Sounds True.

Xin lưu ý: bài viết này không nhằm mục đích cung cấp phương thức điều trị cho những người bị trầm cảm lâm sàng hoặc các hình thức khác của bệnh tâm thần cần phải chữa trị y khoa.

Hết

Việt Dịch: Diệu Liên Hoa

Susan Piver – Lion’s Roar

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018