Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Hoa ô môi
Cập nhật: 02/05/2019
Hè về, những tán lá bắt đầu rạo rực. Ánh nắng chói chang xuyên thủng qua những hàng cây bên đường tạo thành những ánh sáng chiếu dài xếp tầng lên nhau. Đâu đó, tiếng ve sầu du dương hòa nhịp vào tiếng gió tạo thành bản tình ca âm vang làm động cả một bầu trời. Bất chợt, trên những đôi vai, hằng lên những vết mồ hôi ướt đẫm hai bên áo. Những cây hoa ô môi chen chút, đua nhau hé nở nụ hoa đầu mùa, hương thơm thoang thoảng lan tỏa khắp một vùng quê. Các em nhỏ nô đùa, tranh nhau hái quả và hát vang “dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đến cổng nhà trời…”. Tôi chợt nhận ra, đó là ký ức của tuổi thơ. Chúng bắt đầu ùa về với những kỷ niệm yêu thương với những đứa bạn và món quà từ cây ô môi đầy sự khăng khít ấy.
“Ô môi! Hoa rụng đầy sông
Thương người, thương cả tấm lòng cố nhân”.
Một lần nữa, ký ức ùa về, bao nỗi nhớ bắt đầu da diết. Lúc ấy, bọn con trai chúng tôi suốt ngày đi chơi từ sáng đến chiều vào những ngày nghỉ học. Con sông là nơi chúng tôi thường hay tắm, trèo lên những cây bần, hái và chấm những quả bần vào đĩa muối ớt thật cay; hay lội tận vào các đầm sen, ngắt những đài sen chia nhau cùng ăn. Chiều tà, là lúc chúng tôi thi nhau thả diều, những con diều làm bằng giấy tập cũ và tre, được những hạt cơm thừa kết dính lại. Diều! Chúng bay rất cao và xa!
Lúc ấy, giữa làng có cây ô môi, nơi mà chúng tôi hay tụ tập lại tán gẫu. Thân cây rất to, tán lá tròn như cây dù, nó muốn ôm trọn ai đó vào lòng. Dưới bóng cây ấy, có một bà cụ khoảng 60 tuổi. Bà cụ lúc nào cũng cười khi nhìn thấy chúng tôi. Kế bên bà là đòn gánh với hai cái thúng chất đầy rau nhút, kèo nèo, rau muống, lá cách… và có cả trái ô môi. Mỗi buổi sáng, bà phải đi bộ năm cây số để đến nơi bán, trên đôi vai gầy với hai thúng rau nặng trĩu. Cụ không cô đơn đi một mình, phía sau cụ là một cậu bạn khoảng hai mươi tuổi. Một sợi dây nối dài từ tay cậu đến tay người mẹ. Thì ra cậu ấy không được tỉnh táo. Vì thế, cậu ấy được mẹ dẫn theo với sự gắn kết yêu thương thông qua sợi dây đó. “Con có như thế nào thì vẫn là con của mẹ, gánh cả cuộc đời này, mẹ vẫn mãi bên con…!”.
Ngày nào cũng thế, hai mẹ con bà dẫn nhau đi trên con đường làng, bóng dáng hai người với chiếc đòn gánh tạo nên một bài thơ khó ai quên được.
“Lưng cây đòn gánh khẳng khiu
Mẹ già đi trước, con theo bóng người”.
Có hôm trời đổ mưa, hai mẹ con co rúc dưới gốc cây ô môi và trùm lên người là một tấm bạt mỏng.
- Bà ơi! Sao không về nhà? Trời chuyển mưa rồi bà ạ?
- Bà ráng bán hết mớ rau này cháu ạ!
- Vậy bà để con dẫn anh vào nhà kia đục mưa bà nhé!
- Cám ơn cháu.
Bà tháo sợi dây trên tay, chúng tôi dẫn bạn ấy vào nhà gần đó. Mưa bắt đầu đổ hạt, những hạt mưa có vẻ nặng hơn rớt trên vai của bà như rớt đi bao nỗi âu lo trên người. Mọi người thấy thế vội vã mua những bó rau để kịp ăn chiều. Dòng người bắt đầu thưa thớt và gánh hàng của bà cũng hết đi. Duy nhất, trái ô môi là bà chừa lại không bán vì đó là quà của bọn tôi... Ô môi của bà ăn vào rất ngon, vị chát và đắng của nó không còn, thay vào đó là vị ngọt đậm đà của tình thương.
Cậu bạn ấy tên là Trung, thi đậu vào trường đại học bằng sự vất vả nuôi nấng của bà từ hai thúng gánh. Thế mà, cuộc đời không đối đãi tốt với bà. Cậu bị chấn thương thần kinh sau một lần trèo cây để hái ô môi cho bà đi bán trong một lần về quê thăm bà. Có lẽ, đây là một thách thức, là một số phận hay một điều gì đó của một con người mà bà phải chịu. Từ ngày đó, Trung như đứa trẻ hồn nhiên, tinh nghịch và mặc kệ sự đời. Sau những buổi chợ cũng là lúc bà dẫn Trung và chúng tôi đến ngôi chùa gần đó. Bà chắp tay, khấn khấn lạy lạy gì đó, bọn chúng tôi cũng bắt chước theo. Từ đó, chúng tôi có dịp đến chùa nhiều hơn.
Thời gian cứ thế trôi dần, tôi bắt đầu vào cấp ba. Tôi phải xa ba mẹ để đi học những kiến thức mới. Tôi bắt đầu quen bạn mới, hòa nhập vào không khí của thành phố nhưng đối với bà, tôi không bao giờ quên. Vị ô môi của bà vẫn mãi in đậm trong đầu tôi với bao tình thương của bà dành trọn vào đó. Sau khi học xong cấp ba, tôi trở về. Tôi vẫn đi trên con đường quen thuộc như ngày nào nhưng cây ô môi không còn nữa, nó đã mất đi do một trận bão trong đêm. Cũng chính ngay ngày đó, bà cũng đành rời đi mà không một lời từ biệt như chính cây ô môi đó vậy.
- A Di Đà Phật!
Tôi muốn vỡ òa vì được gặp lại và nghe tiếng Trung cất lên chào tôi khi đến viếng chùa, nơi mà tôi với bà hay đến. Trước mặt tôi là một thanh niên dáng người thanh mảnh, đầu tròn áo vuông. Thì ra Trung bây giờ tỉnh táo trở lại và đã xuất gia. Tôi rất ngạc nhiên vì điều đó. Tôi nói chuyện với thầy Trung cả một buổi sáng mà quên mất đi thời gian. Thầy dạy tôi cách sống, cách làm người và rất nhiều điều mà tôi chưa học. Từ lúc ấy, trong đầu tôi in đậm bóng dáng của một vị tu sĩ trẻ đầy trang nghiêm và oai đức. Và từ lúc đó, bao khát khao, ước mơ của tôi điều biến mất thay vào là hình ảnh của một tu sĩ.
Ve sầu cứ thế ngân nga theo thời gian hòa nhịp vào các cơn gió, lướt nhẹ theo những tảng mây trôi lơ lửng trên bầu trời cao; ánh nắng chói chang chiếu rọi lên những hoa ô môi màu hồng thắm tạo ra một mùi hương thoang thoảng của mùa hè oi bức. Cây ô môi năm xưa không còn nữa, bà cụ với hàng gánh cũng đã đi xa. Nơi gốc cây ấy nay đã mọc lên cây ô môi mới và đã ra hoa, một màu hồng và tô cả một vùng. Giờ đây, bao nhiêu ký ức sẽ gánh trên vai người tu sĩ trẻ ấy. Một bước chân với cuộc hành trình dài nối bước cho cả thế hệ ươm mầm. Hoa vẫn nở! Thầy vẫn đi! Thầy đi cùng với tất cả mọi người bằng hết tấm chân tình của một thầy tu trẻ.
“Hoa vẫn nở dù thời gian đọng lại
Mỗi cuộc đời là trải nghiệm đau thương
Cây vẫn sống dù chỉ còn gốc nhỏ
Giữa cuộc đời ta vẫn mãi bước lên
Dẫu nắng mưa hay dãi dầu, khó nhọc
Ánh Đạo Vàng soi rọi trái tim ta”.