Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Hoằng Pháp: Nỗi lo trong những niềm vui
Cập nhật: 30/08/2011
Phật giáo vốn là cội gốc tâm linh, là cái hồn của dân tộc và là tín ngưỡng ngự trị vững chắc trong nhân dân ta trong suốt chiều dài văn hóa lịch sử. Những triết lý thâm sâu mà gần gũi của nó đã thật sự mang lại lợi ích cho vạn loại. Cho đến hôm nay, trải qua bao biến cố, thăng trầm, đạo Phật vẫn không hề mất đi giá trị mà lại càng khẳng định được vị trí của mình trong một đời sống vốn quá nhiều những bất ổn. Nó đã trở nên một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mọi người kể cả những người trẻ. Bởi đây không chỉ là chỗ dựa tâm linh mà còn là một nghệ thuật để con người sống tốt hơn, đẹp hơn và có ý nghĩa hơn.
Nhận thấy được tầm quan trọng của đạo Phật trong cuộc sống hiện đại, trong những năm qua, chùa Hoằng Pháp đã và đang cố gắng trong công tác hoằng pháp nhằm đưa đạo Phật thể nhập vào cuộc đời, đem lại lợi lạc cho hết thảy mọi người. Đến hôm nay, sau bao nhiêu cố gắng cuối cùng cũng đã có những tín hiệu đáng mừng... Nhưng rồi, sau cái vui ấy, lại là những trăn trở cho một hướng đi mới... Từ những con số...
Với tinh thần tùy duyên hóa độ và mong mỏi đem đạo Phật thể nhập vào cuộc đời, hằng năm, chùa thường xuyên tổ chức các mô hình khóa tu để hành giả các nơi có điều kiện về tu tập. Điển hình là khóa tu Phật thất được tổ chức hai tháng một lần với số lượng Phật tử về dự tu ngày một đông. Kể từ lần đầu tiên tổ chức chỉ với 68 hành giả, đến nay, trung bình mỗi khóa chùa tiếp nhận khoảng 2500 - 3000 Phật tử từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, mô hình khóa tu mùa hè dành cho học sinh – sinh viên cũng đang thu hút đông đảo bạn trẻ và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của các bậc phu huynh khi gửi gắm con em mình vào chùa dự tu. Hai năm trở lại đây, vì tinh thần ham tu, ham học của các em cũng như sự mong mỏi của các bậc làm cha làm mẹ, quý chư tăng đã không quản nhọc mệt để tổ chức hai khóa tu mùa hè mỗi năm với tổng số em tham gia là 6000 em.
Ngoài ra, khóa tu niệm Phật một ngày được tổ chức vào chủ nhật đầu mỗi tháng cũng là điểm đến của không chỉ các cụ già mà cả những thành phần trí thức hay học sinh – sinh viên. Họ đến để tìm lại sự cân bằng, thảnh thơi trong từng câu niệm Phật sau những căng thẳng trong công việc và mối quan hệ thường ngày. Số lượng người về dự tu một ngày niệm Phật trong thời gian gần đây đã tiến đến con số gần 20 ngàn người. Không dừng lại ở đó, chương trình sinh viên hướng về Phật pháp cũng đón nhận hơn một ngàn sinh viên về tham dự mỗi kỳ tu.
Thêm vào đó, cứ vào các ngày lễ lớn trong năm như đại lễ Phật đản, đại lễ Vu Lan, lễ giổ Tổ, lễ vía Phật A-di-đà là hàng chục ngàn người đổ về chùa Hoằng Pháp, có những người ở tận phía Bắc xa xôi cũng đáp máy bay đến để được dự lễ. Và niềm vui lớn lao đối với những người làm công việc hoằng pháp chính là trong lễ Quy y gần đây nhất, khoảng 5000 người đã đăng ký Quy y Tam Bảo, quay về nương tựa ba ngôi báu...
Đó đều là những con số chứng tỏ đạo Phật đã thực sự đem lại lợi lạc cho nhiều người và chắc chắn sẽ là nhiều hơn nữa trong tương lai...
Đến lo âu, trăn trở
Từ những khởi sắc đáng khích lệ ấy, những người làm công việc hoằng pháp lại có thêm niềm vui, thêm động lực để tinh tấn và dũng mãnh hơn trong lý tưởng độ sinh của mình. Thế nhưng, ít ai biết rằng, sau những cái vui đó, là những nỗi niềm trăn trở khi số lượng Phật tử ngày một đông mà cơ sở vật chất của chùa lại có hạn. Vào mỗi lúc khóa tu Phật thất, khóa tu mùa hè bắt đầu diễn ra là lại có rất nhiều Phật tử hay các bạn trẻ phải ngậm ngùi ra về vì chùa... không đủ chỗ! Hơn nữa vào những ngày lễ lớn, hay những khóa tu một ngày, sân chùa tuy rộng nhưng vẫn không đủ sức chứa hàng chục ngàn người. Điều này khiến cho việc di chuyển của mọi người trở nên khó khăn hơn bởi nếu từ trên cao nhìn xuống, lúc ấy khuôn viên chùa là cả một biển người! Và nếu chẳng may có cơn mưa lớn thì lại càng bế tắc hơn vì không có nơi để Phật tử trú mưa. Nhìn Phật tử ngồi co trong những khu hành lang mà bên ngoài trời vẫn mưa không ngớt thì nỗi trăn trở ấy lại càng khiến chư Tăng thêm nặng lòng.
Trong khuôn viên chùa là thế, bên ngoài con đường dẫn vào chùa cũng luôn luôn trong tình trạng kẹt đường bởi số lượng người quá đông. Từng hàng xe, từng hàng người cứ nhích từng chút một trong sự chật chội ấy, nhưng điều đó cũng không sao ngăn được tín tâm và lòng khát ngưỡng của những người con Phật. Đó chính là điều mà chư tăng chùa Hoằng Pháp luôn đau đáu trong lòng. Bởi, làm sao có thể dừng lại khi mà ai ai cũng đều trông ngóng một nơi để nương về?
Vậy nên chăng một Hoằng Pháp mới, rộng lớn hơn và nơi đó không còn tồn tại nỗi lo về chỗ ở, về thời tiết, về nơi giữ xe, về việc đi lại...?
Điều này có lẽ đang trông chờ vào tấm lòng vì đạo pháp của rất nhiều những Cấp-cô-độc thời hiện đại. Vì, một khi nhiều người cùng chung tay, góp sức, thì ý nguyện càng sớm thành tựu, nỗi lo từ đó cũng vơi đi!
Thiết nghĩ, hoằng pháp là sứ mệnh của tất cả những người con Phật, trong đó mỗi người có thể làm theo khả năng của mình. Điều cần thiết nhất, cấp bách nhất lúc này, đó là có thể sớm tìm ra giải pháp để những vấn đề trên không còn là trăn trở của chư Tăng và cũng để Phật tử có nơi an tâm tu tập. Nếu làm được thì công đức ấy không gì sánh nổi, bởi nó có thể đem lại lợi lạc cho rất nhiều chúng sinh, như lời đức Phật đã dạy: “Trên đời này, người bố thí chính là người có được lợi ích lớn nhất”.
Chính vì lẽ ấy, rất mong Phật tử xa gần hãy đóng góp tâm lực để xây dựng một Hoằng Pháp như chính tên gọi của nó. Xin thành tâm ngưỡng nguyện cho tất cả mọi người đều được sống an vui trong giáo pháp của đức Như Lai. Và cầu mong tâm nguyện của thầy chúng tôi sẽ sớm được thành tựu viên mãn.