Người gieo mầm xanh
Ấn tượng đầu tiên đối với một cô bé ở tỉnh là “chùa sao mà rộng và trang nghiêm đến thế!”. Mà khi ấy lại còn đầy đủ các phòng như Pháp phục, phòng phát hành,... để cho Phật tử có cơ hội được thỉnh kinh sách, băng đĩa, chuỗi, cho đến những chiếc áo tràng hay những bộ đồ lam,... Hai mươi năm về trước, cái thời mà mọi thứ còn nhiều thiếu thốn và khó khăn, thế mà quý Thầy ở chùa, đặc biệt là Hòa thượng trụ trì đã nghĩ ra các phương tiện cho quý Phật tử gần xa được gieo duyên và tu học như thế. Nghĩ đến đây nó thật khâm phục! Nhưng để thực sự quy phục thì phải nhắc đến tấm lòng từ bi của Chư Tăng bổn tự. Khi điều kiện lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, thế nhưng đoàn nào đến thăm chùa, chư Tăng và Phật tử cũng đều tiếp đón nồng hậu, rồi phục vụ các bữa ăn từ mì đến cơm đều ngon và no lòng, mọi thứ đều được MIỄN PHÍ HOÀN TOÀN. Lần đầu tiên nó ở quê lên thành phố lại gặp được sự đối xử tử tế quá làm cho nó ấn tượng lắm - “Người tu lạ nhỉ?”.
Thời gian dần trôi, cô bé ấy bây giờ cũng lớn khôn hơn, hiểu biết hơn ngày nào. Rồi nhân duyên xưa đưa đẩy nó quay về ngôi chùa mang tên Hoằng Pháp để công quả và tu tập. Kể cũng lạ, chùa quê thì nhiều mà sao nó lại lên tít trên thành phố này nhỉ? Cũng đúng thôi! Vì chùa Hoằng Pháp được Thầy trụ trì tổ chức rất nhiều khóa tu như: Khóa tu Phật Thất, khóa tu mùa hè, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, lễ vía đức Phật A Di Đà, khóa tu niệm Phật một ngày,... Ôi! Còn nhiều, nhiều nữa mà nó không nhớ hết. Mà Thầy còn tạo duyên cho Phật tử gần xa về chùa công quả tu học. Nhờ tấm lòng từ bi của Thầy mà nó được nương tựa tu học tại bổn tự. Những ngày đầu đến chùa thật lạ lẫm nhưng may thay ở đây có quý Thầy và và Phật tử nội tự luôn hòa nhã và sẵn sàng giúp đỡ, nhờ thế mà nó hòa nhập rất nhanh. Nhớ lại nó bất giác nở một nụ cười trên môi.
Khi tu học và công quả tại chùa, nó đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ việc công phu, ăn cơm, chấp tác, chỉ tịnh,... đều được chư Tăng và Phật tử chấp hành rất nghiêm túc. Nó thấy lạ lắm! Vì sao giờ giấc lại cụ thể và rõ ràng như thế? Rồi sau mấy ngày nó nhận ra: “À, thì do Thầy trụ trì đã soạn bảng nội quy để mọi người có phương hướng làm việc và tu học”. Không dừng lại ở đó, sáng nào sau giờ dùng điểm tâm, nó cũng được nghe Thầy chia sẻ pháp thoại ngắn. Nó thấy hay và vui lắm! Hay là các chùa gần nhà chỉ khi có những khóa lễ lớn mới có những buổi giảng pháp còn ở đây thì ngày nào cũng được. Đặc biệt hơn nữa là Thầy cho phép Phật tử được ăn chung với chư Tăng, và cùng được nghe pháp với chư Tăng - đây thật là điều hi hữu, có một không hai!
Vài tháng sau ngày nó về chùa thì chùa có tổ chức khóa tu Phật Thất. Đây cũng là khóa tu đầu tiên nó được phục vụ mọi người. Lần đầu tiên trong đời nó thấy sao mà nhiều người quá! Đông kín cả chùa! Trên khuôn mặt ai cũng rạng ngời. Các cụ, các cô, các chú,... người thì khiêng, người thì xách, người thì kéo hành lý đến chùa đăng ký khóa tu. Sao mà vui đến thế! Khóa tu có hơn ba ngàn người tham dự vậy mà được sắp xếp chu đáo mọi thứ từ chỗ ngủ, đến nơi tu học rồi nơi tắm giặt, ăn uống, thuốc thang, không thiếu một thứ chi. Nó quan sát thấy chư Tăng và Phật tử nội tự làm việc rất vất vả nhưng trên khuôn mặt ai cũng lộ rõ niềm hoan hỉ. Lạ thật Phật ơi! Mỗi ngày khi khóa tu diễn ra là một điều bất ngờ với nó vì từ ngày đầu tiên đến ngày cuối khóa đều có Giảng Sư thuyết pháp, rồi còn được quý Thầy hướng dẫn oai nghi, chia sẻ kinh nghiệm tu học,... Hấp dẫn hơn nữa là cuối khóa ai cũng có một phần quà “to bự” đem về. “To” là tấm lòng từ bi của những Sứ giả Như Lai. “Bự” là ôm trọn tất cả mọi người. Quý Ngài tặng tất cả từ vật chất đến tinh thần mà không phân biệt thân - sơ, sang - hèn,... cứ cho đi với tất cả tấm lòng. Nó cảm được như thế!
Với độ tuổi đôi mươi của nó thì khóa tu mùa hè ở chùa Hoằng Pháp là thu hút hơn hết. Mỗi năm cứ đến dịp hè về thì chùa lại tổ chức khóa tu dành cho các bạn sinh viên. Mỗi khóa có gần bốn ngàn bạn trẻ tham dự, mái già lam khi ấy tràn ngập tiếng cười, cùng với việc tổ chức các trò chơi dân gian, văn nghệ, đốt lửa trại,... nhờ thế mà nó được quay về tuổi thơ. Những bạn trẻ được tu học theo cách thức rất logic. Từ ăn uống, tu học, giải trí, thể dục thể thao, Thầy đều tổ chức với cách thức tuyệt vời để giúp mọi người dễ thích nghi và hòa nhập theo thời khóa. Lần đầu tiên nó thấy rất rất nhiều bạn trẻ cùng khóc, cùng cười với các bài giảng của Giảng Sư. Nó được nghe các tâm sự đầy nước mắt của các bạn - những tâm sự chỉ được bộc bạch khi các bạn ấy cảm nhận được sự chân thành và tình thương từ quý Thầy, quý Sư Cô, để những nỗi niềm đó không bị chôn vùi suốt đời. Thầy thật là “Người gieo mầm xanh”! Để sau mỗi khóa tu, có biết bao con người đã thay đổi cuộc đời mình theo hướng tốt đẹp và thiện lương hơn. Và những người ấy lại sẽ trở thành những hoằng pháp viên, nối dài thêm cánh tay từ bi mà giúp đỡ nhiều người hơn nữa.
Rồi mùa hiếu hạnh đến! Sư phụ đã tổ chức long trọng lễ Vu Lan cho những trái tim thổn thức có nơi nương về:
“Tháng Bảy mùa Thu lá rụng vàng
Cái mùa nhân loại đón Vu Lan”
Đẹp làm sao truyền thống nhớ ơn và báo ơn! Nhắc nhở cho tất cả con người chúng ta dù là Phật tử hay chưa phải Phật tử đều hướng tâm về hai đấng sinh thành. Khóa lễ được tổ chức với hơn mười ngàn người trở về tham dự. Con cái nắm tay cha mẹ, ông bà nắm tay các cháu, nào là áo dài, áo tràng đông như hội. Đến phần đọc ý nghĩa và cài hoa hồng thì những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt, có thể là các bậc cha mẹ, có khi là những người con, người cháu, mừng mừng tủi tủi. Nó thấy mà cũng xúc động.
“Vui thay, hiếu kính mẹ,
Vui thay, hiếu kính cha,
Vui thay, kính Sa Môn,
Vui thay, kính hiền thánh.”
(Kinh Pháp cú - kệ ngôn 332)
Bên cạnh đó, mỗi tháng chùa sẽ tổ chức khóa tu niệm Phật một ngày. Vì khóa tu chỉ diễn ra một ngày và vào chủ nhật nên người về chùa tu rất đông. Cơm hộp chuẩn bị hơn hai mươi ngàn phần vậy mà cũng không đủ. Ở quê nó làm gì có được như thế này! Mọi người tu học tinh tấn và nỗ lực lắm! Có lẽ do cuộc sống bộn bề không có thời gian nhiều nên đây là cơ hội để các Phật tử được đến chùa. Nói là tu một ngày nhưng thời khóa rất đầy đủ: từ tụng kinh, niệm Phật, thuyết pháp, dùng trưa, chỉ tịnh, tịnh tọa,... Nói chung là trên cả tuyệt vời! Nó thấy như thế và mọi người cũng nói như thế!
Sau một năm về tu học và công quả tại chùa Hoằng Pháp, nó đã nhận Thầy trụ trì Thượng Chân Hạ Tính làm Sư Phụ. Hai tiếng “Sư Phụ” sao mà thân thương đến thế! Nó đã thấy được tấm lòng của Phật qua hình ảnh Thầy và đại Tăng - thấy được hình ảnh của những Sứ giả Như Lai thực thụ. Nó tin có Phật, có những người tu chân thật. Biết ơn Thầy đã tổ chức những khóa tu, khóa lễ, những chương trình thiết thực cho mọi người có cơ hội được quay về với ngôi nhà tâm linh của chính mình.
Giờ đây, sau hơn hai mươi năm kể từ ngày biết đến chùa và tu học tại nơi đây, nó thấy Thầy nó với tình thương vô hạn đã mở thêm các khóa tu mới hợp với thời đại và phù hợp với căn cơ của nhiều người như: khóa tu em về bên Phật, hoa Mặt trời, lễ hằng thuận, khóa tu sinh viên hướng về Phật pháp,... Thầy xây dựng tòa nhà Pháp luân tạo duyên tu học, giảng pháp cho tất cả Chư Tăng Ni và Phật tử các nơi về tu học, cũng như cho mượn điểm tu học như: Sư Giác Minh Luật, khóa thanh lọc thân tâm, khóa thiền minh sát tuệ (thầy Tâm Thành), khóa tu Nikaya do thầy Minh Thành tổ chức,...
Thầy đã làm cho ngôi chùa trở nên gần gũi và thân thiết với mọi người đúng như câu:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống bao đời của tổ tông”.
Cảm ơn Người đã thay Phật đem ánh sáng trí tuệ cùng tấm lòng từ bi vô bờ bến đến với chúng sinh. Không có một chướng ngại nào có thể làm chùn bước chân Thầy. Dù tuổi tác đã cao, sức khỏe không như trước nhưng Thầy với ý chí phi thường cùng sức chịu đựng phi thường đã làm nên những điều phi thường cho chúng sinh. Chỉ những người thật tu thật học mới có thể như thế! Và nó đã chứng kiến ngần ấy việc qua ngần ấy thời gian thì đã thật tâm quy kính vị Sứ giả Như Lai ấy - Sư Phụ - Hòa Thượng Thích Chân Tính.
“Hương mạt lỵ, chiên đàn thơm phức,
Cả nước hoa chẳng ngược gió bay,
Hương người đạo đức thẳng ngay,
Bay xa ngược gió, tháng ngày còn thơm.
Giữa bãi rác bên đường dơ bẩn,
Có hoa sen thoang thoảng mùi hương.
Giữa đời phàm tục nhiễu phương,
Có người trí tuệ, tình thương sáng ngời.”
(Kinh Pháp Cú - kệ ngôn 54, 58)
Phước Huệ