Tản văn: Không Đề
Thầy tôi thường dạy: “Nhìn lại để thấy, biết quấy để sửa”. Câu nói đó tuy giản đơn, nhưng đối với tôi còn giá trị hơn một câu thần chú hộ thân. Quá trình chuyển hóa nhân cách, bước đường tu tập, sự thành tựu quả vị giải thoát, thật ra cũng chỉ nằm ở hai chữ “nhìn lại”. Cốt tủy của Tứ Niệm Xứ là nhìn lại tự thân trong bốn lĩnh vực thân, thọ, tâm, pháp. Tinh hoa của Thiền Đông Độ cũng chỉ muốn nói lên một điều: Hãy nhìn lại chính thân và tâm này để hiểu rõ hơn về bản chất thật sự của chúng là gì. Câu chuyện “phản bổn hoàn nguyên” đó được bắt đầu bằng cuộc đối đáp của Tổ Đạt Ma và ngài Huệ Khả:
- Bạch ngài, tâm con không an.
- Ông đem tâm ra đây ta an cho.
- Bạch ngài, con không thấy tâm mình đâu cả.
- Ta đã an tâm cho ông rồi đó.
Dường như tôi đã đi quá xa so với câu chuyện về chàng trai mà tôi nói đến ban đầu trong bài viết, nhưng tôi muốn nói thêm một chút về sự vô danh của một người, lỡ đã làm một cuộc vui thì cho nó “biền biệt sơn khê” luôn, sau đó quay về cũng không muộn.
Ngẫm thử trong cuộc đời, nếu biết để ý, ta sẽ thấy rằng những thứ vô danh ẩn chứa nhiều bài học, chịu khó suy ngẫm và liên tưởng một chút thì có lắm chuyện để bàn. Những giá trị cốt lõi thường không nằm ở cái tên mỹ miều hay vẻ ngoài tươi đẹp. Sống ở đời, một số người khoác lên mình vô số tên gọi, chức danh, địa vị, quyền cao, chức trọng, nhưng họ dùng ngay danh xưng đó để trục lợi, thì những cái danh này nguy hiểm vô cùng. Một chức vị như “Giám Đốc”, “Chủ Tịch”, “Bộ Trưởng”, “Thứ Trưởng”, “Viện Trưởng”,... có thể “răn người nghe, đe người sợ”, những danh từ định đặt này đã ảnh hưởng đến biết bao người. Nếu nội dung bên trong không tương ứng với tên gọi bên ngoài, thì đó là mối họa cho cả một tổ chức và những đoàn thể cùng cộng hưởng.
Trong khi đó, có những người vô danh lại hành xử đẹp, có nhân cách cao quý, âm thầm và lặng lẽ làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn, cống hiến và hy sinh không vụ lợi. Những người lao công vô danh phục vụ trong ba ngày Tết, những bác sĩ và y tá túc trực trong bệnh viện, những chiến sĩ biên thùy ngày đêm canh giữ đất trời, và ngay cả những nhà sư sống hạnh ẩn lâm đang giấu mình trong rừng sâu núi thẳm, âm thầm thắp lên ngọn lửa giác ngộ, là điểm tựa tâm linh cho muôn người quy hướng,... Chính sự vô danh này tạo nên những điều kỳ diệu, vẽ lên bức tranh về cuộc sống muôn màu.
Trở lại câu chuyện về người em nhỏ của tôi. Chuyện là thế này, sau một chuyến du phương, tôi trở về chùa để nương náu với thầy và đại chúng. Thế là, tôi phải quay lại nơi mình đã trú ngụ trong thời gian qua để thu dọn một ít vật dụng và sách vở. Đi một mình thấy có chút lẻ loi, tôi nhìn thấy anh chàng đang đi lang thang trong chùa và rủ cậu cùng đi theo chung cho vui. Trong suốt cả chuyến đi, cuộc trò chuyện của hai anh em khá thú vị đối với tôi, còn không biết cậu cảm nhận như thế nào. Mười chín tuổi, quê ở Ninh Bình, đang học năm hai tại một trường Cao Đẳng trong thành phố, đó là thông tin ít ỏi mà tôi biết về chàng trai này. Đây là cái Tết đầu tiên xa quê, cậu tâm sự:
- Anh biết không, sao bây giờ em nghĩ lại hồi đó thấy ngán. Mấy năm rồi ăn Tết ở nhà, năm nào cũng say ngoắc cần câu, hết đánh bài rồi đi nhậu. Năm nay, em ăn Tết ở chùa tuy vất vả nhưng mà thấy vui lắm anh. Khi mình sống ở ngoài, Tết là phải diện quần áo đẹp, ở trong chùa mấy ngày nay em mặc có bộ đồ lam, vậy mà nó lại cảm thấy thoải mái, khi đi tắm không cần phải suy nghĩ đắn đo là mình phải mặc quần nào, đi chung với áo nào.
Tôi cười, nói với em:
- Đúng rồi đó em, mình biết đủ và thấy đủ thì sống ở đâu cũng vui hết. Một người càng chú trọng đến bên ngoài bao nhiêu thì họ càng bị bó buộc bấy nhiêu. Anh thấy bây giờ người ta ăn diện nhiều lắm! Nam hay nữ đều như vậy hết. Mấy bạn trẻ bây giờ thường lo lắng, người đối diện sẽ cảm thấy như thế nào khi mình mặc cái áo này, cái quần kia, đôi dép nọ, thật ra thì đâu có mấy ai quan tâm đâu em. Mình ở trong chùa nên chuyện ăn mặc đơn giản, mà mai mốt em ra ngoài cũng nên tập thói quen đó, thật ra quần áo chỉ có tác dụng để che thân thôi, mình không khéo thì nó trở thành đồ để khoe thân. À, mà mấy ngày nay em làm ở đâu?
Em trả lời:
- Dạ, em làm ở khu vực Đài Quan Âm, mệt lắm anh ạ, nhưng em cảm thấy vui lắm. Anh biết không, có bữa khách viếng chùa đông, em làm cả ngày đến 12 giờ đêm mới nghỉ, sáng thức dậy lúc 6 giờ thì ra đó tiếp. Nhìn nhiều người đến viếng chùa, thấy họ có niềm tin với Tam Bảo, mình như được vui lây vì biết tâm người ta hướng về cái thiện. Em thấy mấy đứa con nít lạy Phật mà thương chúng làm sao. Chúng ngây thơ và hồn nhiên lắm, nhìn thấy nó chắp tay rồi lạy xuống lòng mình thấy rất nhẹ nhàng.
Cậu kể tiếp:
- Anh biết không, hồi xưa em ở nhà khó ngủ lắm. Vậy mà vào chùa làm công quả, phụ giúp công việc cho quý thầy, chắc là mình có chút phước báu hay sao đó, mà em lăn xuống là ngủ liền. Lúc trước, đôi khi trong phòng yên tĩnh, đắp mền bật quạt, chăn êm nệm ấm mà mình nằm trăn trở, còn hôm 30 Tết, em với các thầy đi chợ hoa để xin những cành hoa, chậu hoa về tặng cho Phật tử trong đêm Giao Thừa, ngồi đợi mệt quá em trải cái bao rồi nằm lăn trên xe tải ngủ ngon lành. Lạ vậy đó! Thấy mình làm việc rồi cống hiến, giúp cho người ta đến chùa, dần dần họ hiểu đạo như Sư Phụ dạy, em thấy vui trong người, như vậy cũng có phước phải không anh!
Tôi chở, em ngồi sau nói đủ chuyện, em tâm sự là mình chưa biết gì hết, chỉ mới biết đi chùa một thời gian. Ngoài quê em, thanh thiếu niên rất ít đi chùa. Dường như câu nói quen thuộc của ông bà xưa làm người ta ngại: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Nhiều người còn sợ con cháu họ đi chùa rồi sẽ bỏ đi tu. Thế là chốn tòng lâm gần như chỉ dành cho những ông già bà cả gần đất xa trời. Em hỏi nhiều điều, có chỗ tôi trả lời, có câu tôi hỏi lại để em tự nhận ra những điều mà em thắc mắc. Nghe những lời nói ngây ngô của em, tôi bỗng thấy thương và quý. Ở độ tuổi mười chín, em chưa từng va chạm nhiều với cuộc sống, nhưng chính lối suy nghĩ đơn giản và bình dị, lại là điều khiến tôi phải học tập từ chàng trai này. Em có được sự may mắn là biết đi chùa, có được niềm vui khi ở gần các thầy và những người bạn đạo cùng vào chùa làm công quả như em. Em kể:
- Những ngày không đi học thì em làm thêm ở nhà hàng tiệc cưới để có tiền đi học, em cũng nói ba mẹ ở quê đừng gởi tiền vào cho em nữa, em tự lo được. Em thuê một căn phòng trọ gần chùa, ngày nào không làm cũng không học thì vào phụ các thầy. Mình làm được gì thì làm, đi chơi vừa tốn tiền mà không được gì, làm công quả có phước lại thấy vui.
Tôi hỏi:
- Nhà kinh tế khó khăn, sao em không xin ở chùa đi học mà mướn nhà trọ gần chùa làm gì cho tốn tiền, xin vào ở luôn trong chùa, mình rảnh thì phụ cũng tiện mà.
Câu trả lời của em làm tôi hơi chột dạ:
- Thôi anh ơi, mình phụ được bao nhiêu thì phụ cho quý thầy thôi! Chứ làm được đâu bao nhiêu mà mình nương nhờ chùa. Em muốn sống ở ngoài để rèn luyện tính tự lập. Mình không làm được gì thì cũng đừng trở thành gánh nặng cho ai, phải không anh?
Có thể đối với nhiều người, câu chuyện trên đường giữa hai thằng con trai là em và tôi “nhạt như nước ốc”. Nhưng sao tôi lại học được khá nhiều điều thú vị từ những câu nói rất thật của em. Tôi biết rằng, em chỉ là một người đại diện cho những bạn trẻ thường đến phụ công quả và tu học Phật pháp. Những tâm tư tình cảm của em cũng sẽ có những nét tương đồng như các bạn khác. Trong mùa Xuân này, hơn 50 bạn trẻ đã ở lại chùa cùng chúng tôi. Đó là một tín hiệu vui, vì thế hệ trẻ đã bắt đầu biết đến đạo Phật, sống trong môi trường già lam, đặc biệt là các bạn biết vui với niềm vui của người khác, biết tìm sự an lạc trong phụng sự và hiến dâng hạnh phúc đến cho đời.
Tôi biết người em nhỏ này và những người bạn thanh thiếu niên không biết nhiều về giáo lý, các em có thể sẽ cảm thấy rất nhức đầu trước những từ ngữ Phật học chuyên đề, vốn kiến thức Phật học không thể nào so sánh với sự uyên bác mà nhiều nhà nghiên cứu đang sở hữu. Nhưng nào có quan trọng gì, các em đang tu bằng những việc rất đơn giản: tạo niềm vui trong việc phục vụ Tam Bảo, sống tự lập, đơn giản, biết lắng nghe người khác,...
Em kể với tôi rằng sau khi ra trường, em mong mình làm được nhiều tiền để có thể giúp đỡ cho những người khó khăn hơn mình, có một chút đóng góp để phụng sự Tam Bảo. Dường như, chính em cũng nhận ra rằng giá trị của đời sống này thật sự có ý nghĩa khi người ta biết cho đi, hạnh phúc là vì người khác hơn là những thứ mà ta cố nắm giữ. Tôi bất giác mỉm cười. Những người ỷ cái quyền mình là “người lớn” hay lên tiếng chê trách giới trẻ bây giờ là sống quên mình, là ích kỷ, tâm tư và chí hướng không bằng những người đi trước. Nhưng tôi thấy rằng, hiện tại có rất nhiều bạn trẻ giống như em, những người trẻ rất dễ thương, biết suy nghĩ cho người khác. Trước Tết vài ngày, báo chí có đăng một loạt bài viết về một chàng sinh viên đã vì cứu ba mẹ con chết đuối mà phải vĩnh viễn ra đi, em để lại sự tiếc thương sâu sắc cho gia đình, bạn bè và xã hội. Nhưng sự mất mát đó là một minh chứng hùng hồn rằng, những hạt giống thiện vẫn còn đó, trong trái tim của những chàng trai và cô gái trẻ rất hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng. Tôi chợt nghĩ rằng: Các bạn trẻ cần được khích lệ, động viên nhiều hơn là những trách móc hay chê bai.
Nhìn niềm vui trong ánh mắt của em, nhìn nụ cười trên môi của các bạn cũng như các cô, các chú công quả và quý thầy trong những ngày tất bật này, tôi lại thấy được một điều “xưa như trái đất”: Thì ra, giá trị của hạnh phúc không chỉ phụ thuộc bởi sự ăn ngon, mặc đẹp, hay những điều kiện vật chất mà con người hưởng thụ. Mà nó chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm tư, tình cảm và nhận thức của chúng ta. Các bạn trẻ về chùa không cờ bạc, không rượu chè, không những cuộc hò hẹn nơi vũ trường, quán bar hay karaoke, ăn uống ở chùa trong ba ngày Tết còn đạm bạc hơn ngày thường (chùa chúng tôi Tết không nấu cơm mà dùng... mì gói), một ngày đôi khi ngủ được năm sáu tiếng là nhiều. Thế mà, ai cũng vui, ai cũng cười. Niềm vui này thật lạ, thật đặc biệt, và chỉ những người từng nếm trải mới có thể hiểu được vì sao như thế.
Kính Đức