Sách HT. Thích Chân Tính
Lộc ai cho?

Mình đi chùa, đi miếu, đi đền lấy lộc thì ai cho lộc? Có quan niệm cho rằng lộc là những điều may mắn do trời đất hay các đấng thiêng liêng ban cho mà người ta không phải mất công tìm kiếm, điều đó đúng không? Chẳng có thần, thánh, tiên, Phật nào ban cho mình hết. Không ai có thể ban phước giáng họa cho ai. Lộc là tự mình cho, tự mình làm ra. Tại sao thầy lại nói như vậy? Vì lộc là biểu trưng cho quả phước, mà phước có được là do chúng ta đã từng tạo nhân lành trong quá khứ. Tâm tốt, lời nói tốt, hành động tốt là những nhân thiện. Nhân thiện sẽ trổ ra quả lành, đó chính là lộc. Chúng ta đi đền, đi chùa, đi miếu để xin lộc là một tín ngưỡng văn hóa. Văn hóa chỉ đẹp khi người ta hiểu rõ ý nghĩa của nó, còn hiểu sai chấp lầm thì tín ngưỡng ấy sẽ trở thành mê tín dị đoan, cổ hủ, lạc hậu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta biết tận dụng tín ngưỡng dân gian để hoằng pháp thì sẽ có được lợi ích rất lớn. Đây là cơ hội cho mình phổ biến Phật pháp, gởi tặng kinh sách, giúp cho những người ít đến chùa đọc được những lời hay ý đẹp.

Một người không được sự hướng dẫn đúng từ mê tín sẽ trở thành cuồng tín. Chúng ta đặt ra nghi vấn, người ta đến đền Trần xin ấn để làm gì? Có ý kiến cho rằng đem ấn về nhà dán sẽ được nhiều điều lợi ích: một là bình an hạnh phúc, hai là được mạnh khỏe, ba là buôn bán phát đạt, bốn là thăng quan tiến chức, năm là trừ tà ma. Ấn thật ra chỉ là miếng giấy được đóng mộc, không có giá trị, không thể giúp cho mình được cái gì. Chúng ta tin ông thần, ông thánh, bà cô, ông cậu… có thể phù hộ cho mình, đó cũng là quan điểm mê tín. Sống trong thời hiện đại, khoa học phát triển, chúng ta nên có những nghiên cứu rõ ràng và chính xác trước một sự việc hay hiện tượng gì đó. Chúng ta tuyển ra mười người đem mâm lễ lên miếu bà Thiên Hậu Bình Dương, thành tâm chí kính xin được trúng số độc đắc, thử xem kết quả như thế nào. Nếu mười người đi mà mười người trúng số hết, không cần mười người, chỉ năm ba người trong số đó thôi, thì bà đúng là thiêng thật. Nhưng thầy nghĩ chẳng có người nào trúng số đâu, có khi còn bị “trúng gió”. Nếu mười người thành tâm đi viếng bà mà có một người trúng số thì không được gọi là linh thiêng. Vậy thiêng là thiêng chỗ nào? Bà cho lộc là lộc gì? Chẳng qua, chúng ta ngồi tưởng tượng chứ chẳng có bà nào cho ta được cái gì.

Một năm, ban quản lý đền Trần phát ra mười đến mười lăm vạn, tức là từ 100.000 đến 150.000 tờ ấn. 150.000 người nhận 150.000 tờ ấn thì hỏi ai được thăng quan tiến chức. Nếu 150.000 người đó đều thăng quan tiến chức thì đúng thật linh thiêng, chẳng qua người ta đi cho có phong trào, một nét tín ngưỡng, hoặc thấy lễ hội vui nên tham dự. Một người dành ra mười mấy hai chục năm học hành nghiêm túc có khi còn chưa được làm quan, giành tờ ấn mà được làm quan thì ai chả muốn. Những người giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước, có ông nào đi giành ấn mà được làm quan không?

Chúng ta phải thấy được thực tế này, nhất là các Phật tử, mình phải biết “lộc” là gì. Lộc là những điều tốt đẹp, những điều may mắn. Những điều tốt đẹp hay may mắn đó ở đâu ra? Đều do chính chúng ta, nếu mình có ý nghĩ tốt, hành động tốt, tương lai sẽ được quả báo tốt đẹp, chính quả lành đó là lộc chứ không phải ai cho mình hết. Nếu có một đấng nào đó như ông thần, ông thánh, cô, dì, cậu, mợ… ở đâu hiện xuống cho mình được cái gì, thì người ta chẳng còn muốn làm việc nữa, chỉ cần bỏ tiền ra mua đồ lễ đến những ngôi miếu hay đền cầu là khỏe.

Chúng ta không làm việc, không học hành, cứ bưng mâm lễ từ nơi này sang nơi khác cầu khấn là có ngày mình bán nhà, đó là thầy nói thật. Chúng ta sống phải có sự tự tin, tin vào khả năng và sức mạnh của bản thân. Tự mình phải làm chủ kinh tế gia đình, làm ra đồng tiền bằng chính bàn tay và khối óc, không phải tiền của hay địa vị từ trên trời rơi xuống cho mình được. Những người có được nhiều may mắn, đường công danh thăng tiến, sự nghiệp mau thành tựu, làm ăn buôn bán thuận lợi… thật ra cũng không phải ngẫu nhiên mà nhờ vào phước đức của người đó đã gây tạo từ trước. Mình làm mình hưởng, không có ông trời nào có thể cho mình.

Báo chí gần đây có đăng tin trường hợp của ông giám đốc điện lực Bình Lục, Hà Nam. Ông đi lễ đền Trần trong giờ hành chính nên bị miễn nhiệm chức vụ. Một trường hợp khác là Ban quản lý Kho bạc nhà nước thành phố Nam Định gồm có giám đốc, phó giám đốc, 5 công chức cũng đi lễ đền Trần vào giờ làm việc và đã bị đình chỉ công việc để kỷ luật. Những người này đi đền cầu phước lộc, có thể họ mong muốn thăng quan tiến chức, nhưng kết quả là không được thăng chức mà còn bị giáng chức, cắt chức. Vậy thì linh thiêng ở chỗ nào?

Sách cùng thể loại
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Tết Nguyên Đán ở Việt Nam
Thích Chân Tính
Nhìn lại
Nhìn lại
Thích Chân Tính
Lời Nhắn Nhủ
Lời Nhắn Nhủ
Thích Chân Tính
Tặng Phẩm Xuân 2020
Tặng Phẩm Xuân 2020
Thích Chân Tính
Chó rừng và Sư tử
Chó rừng và Sư tử
Thích Chân Tính
Nụ cười Di-lặc
Nụ cười Di-lặc
Thích Chân Tính