
Những Bài Học Bằng Vàng
Chiêu thứ 12: Những nghệ sĩ tài ba
Giúp Nhà Chùa Xin Phép Xây Dựng, Hứa Vận Động Tài Chánh..., Sau Đó Biến Mất
Với Một Số Tiền Cực Lớn
Bà B, quản lý ngôi chùa Đ. ở Hóc Môn kể lại: Cách đây không lâu, trong lúc bà đang chuẩn bị sửa chữa lại chùa thì có một phụ nữ tên P. T. N. M. nói từ miền Trung mới vào, vì không có tiền bạc, người quen nên xin vào chùa tá túc để chờ xin việc làm và được bà B. đồng ý. Khoảng một tuần lễ sau, M. nói đã có việc làm nên rời khỏi chùa.
Thế nhưng chỉ khoảng 10 ngày sau, M. đột ngột quay lại chùa, trên người đeo đầy trang sức (dây chuyền, nhẫn, vòng cimen bằng vàng) khiến bà B. vô cùng ngỡ ngàng.
Chưa kịp hỏi han nguyên cớ, bà B. càng choáng hơn khi M. móc bóp lấy 500 USD dúi vào tay bà B.: "Số tiền này là của chị con tặng cô để đền ơn những ngày cô cưu mang con đó". M. cho biết nhà chị ta ở Nha Trang rất giàu, có đứa em song sinh tên H. hiện là phó tổng giám đốc của một công ty sản xuất ô tô công nghệ nano bên nước Nhật...
Sau đó, vì ở TP. HCM nên cứ vài ngày M. lại lên chùa để thăm bà B. Một lần nọ M. lại lên chùa, vẻ mặt đầy phấn chấn nói với bà B:
- Hôm qua con điện thoại cho H. nói cô chuẩn bị sửa chữa chùa, H. bảo sẽ kêu gọi các tổ chức bên Nhật quyên góp tiền để ủng hộ cô.
Đang lúc cần tiền, bà B. như bắt được vàng, bảo M. ráng xúc tiến nhanh. Ít ngày sau M. mừng rỡ thông báo cho bà B. biết H. quyên góp được đến những 1,2 triệu USD. Cùng lúc đó H. "từ bên Nhật" cũng điện về chùa để báo cho bà B. thông tin quan trọng này. Nhưng H. nói, vì số tiền quá lớn không thể mang trực tiếp về Việt Nam nên H. sẽ gửi vào tài khoản. Mà muốn vậy thì bà B. phải tốn tiền mở tài khoản hết mấy ngàn đô.
Tin lời, bà B. đưa tiền cho M. 6.000 USD để mở tài khoản. Không bao lâu sau, có người gọi điện thoại về chùa và xưng là người quản lý tài khoản và cho biết H. gửi về không chỉ 1,2 triệu USD mà là 1,5 triệu USD và 20.000 bảng Anh và yêu cầu bà B đưa thêm tiền mấy lần nữa, không có tiền bà phải lấy tạm số tiền của mấy người chị ruột gởi bà cất giúp đưa cho M.
Cùng lúc đó, H. gọi đến chùa nói với bà B. là đã gửi tiền xong xuôi chỉ còn đợi H. về nhận tiền và trao luôn cho chùa. Bà B. nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ về số tiền khổng lồ sắp có trong tay... Thế nhưng từ đó đến nay đã nhiều tháng trôi qua bà B. chờ đợi trong vô vọng, còn M. thì đã "cao chạy xa bay".
Thay Lời cuối
Tình Ôi Xót Xa
Trong đời tôi đã gặp rất nhiều cú lừa ngoạn mục, nhưng có lẽ đau nhất là lần đi Hà Nội cách đây hơn mười năm.
Lần ấy, tôi được mời đi tham quan miễn phí, chỉ phải đóng góp phần chi phí ăn uống dọc đường một triệu đồng. Trên đường đi, tôi quen với một cô bé khoảng 15 tuổi hết sức hồn nhiên vui vẻ, cô bé rất hòa đồng nhưng đôi khi lại rất khó hiểu, có khi nó ngồi một mình ủ rũ như đang suy tư một điều gì. Tôi hỏi chuyện thì nó thở dài bảo rằng mấy cô không ưa nó và hay kiếm chuyện với nó. Hỏi ra thì nó nói rằng vì nó đi chung với người cô, mà cô ấy không có tiền đóng góp nên mọi người lại nghĩ rằng nó ăn quỵt, vì vậy mà đối xử không công bằng với nó. Thương tình tôi cho nó mượn 1 triệu đồng để đưa cho cô nó đóng góp với người ta, sau đó nó lại vui như Tết và cứ lẽo đẽo theo tôi trong suốt cuộc tham quan.
Trên đường về, trong lúc ngủ gục nó vô tình đánh rơi chiếc ví và cũng vô tình tôi nhặt được thì mới biết trong ví của nó có rất nhiều tiền, có cả mấy tờ 100 USD và mấy chỉ vàng nữa. Khi tìm hiểu ra thì tôi mới té ngửa là nó đã làm mặt khổ với rất nhiều người trong đoàn và đã có rất nhiều người dang tay nghĩa hiệp với nó. Nói chuyện trực tiếp với cô của nó thì mới biết nó là dân “giang hồ gốc”, vì sợ nó quậy nên ba mẹ mới gởi nó cho cô trông coi trong thời gian họ đi công tác và mọi chi phí cho chuyến đi họ đã lo đủ, cũng như cô nó đã thanh toán đủ cho Ban tổ chức ngay từ đầu.
Biết mình đã bị một quả lừa đau, nhưng không muốn làm chuyến đi thú vị mất vui nên tôi tự ám thị rằng, thôi coi như một bài học bằng vàng.
Kết thúc chuyến đi, ai về nhà nấy. Ngày hôm sau tôi nhận được điện thoại của nó, nó nói rằng muốn liên lạc với tôi nhưng điện thoại của nó bị hết tiền rồi mong tôi nạp cho nó một ít tiền để nó gọi lại, vì nó đang mượn điện thoại của người khác. Tôi bảo rằng tôi không sử dụng điện thoại di động và cũng không biết nạp tiền như thế nào nữa rồi cúp máy mà trong lòng hết sức tức giận và cả thẹn.
Con Trẻ
Hồi mới xuất gia được mấy năm, lúc ấy tịnh thất NL còn vắng vẻ ít người lui tới, thỉnh thoảng có mấy đứa bé khoảng 7 - 8 tuổi ở xóm lao động nghèo thường ghé vào tịnh thất chơi, thấy thương gia đình tụi nhỏ nghèo khó nên thi thoảng có bánh trái gì chút đỉnh tôi thường để dành cho tụi nó, dần dần trở nên thân thiết, khi rảnh tụi nhỏ thường quấn quýt bên tôi phụ làm cái này cái kia với thái độ rất ngoan hiền lễ phép. Càng thương tụi nó hơn, nên tôi thường quan tâm giúp đỡ, chỉ bảo tụi nó việc học hành, việc ứng xử trong cuộc sống, thi thoảng tôi lại nấu củ mì, hái rau muống hay làm bánh tráng trộn cho tụi nhỏ ăn, tình cảm thầy trò thật thân thương và không biết từ lúc nào tụi nhỏ đã kêu tôi bằng “cha” và thường kể cho tôi nghe mọi việc từ trong nhà đến việc ở trường lớp.
Có lần, một đứa nói cho tôi nghe về sự khó khăn thiếu thốn của gia đình đứa bạn. Bạn nó đã phải nghỉ học để đi bán vé số, nhưng rồi cũng không thể đi bán được vì bị người ta lừa nên không còn vốn để đi bán nữa. Thương tình, tôi bảo nó về nói lại với mẹ đứa bạn rằng, nếu thật sự như thế tôi sẽ đứng ra mượn giúp cho nó một số tiền vốn để đi bán tiếp.
Mẹ đứa bé kia đã đến gặp tôi nước mắt vắn dài kể khổ, bà nói rằng tiền vốn bán vé số hôm trước cũng là mượn của người ta, bây giờ muốn bán lại thì phải trả nợ ấy và phải có một số tiền ứng trước mới mong họ đưa vé số cho mà bán. Thế là tôi phải chạy mượn một số tiền lớn (gấp đôi số dự tính ban đầu) để giúp gia đình đứa bé kia có thêm chút thu nhập mà sinh sống. Mẹ đứa bé nhận số tiền mà rơm rớm nước mắt cảm ơn tôi và hứa sẽ hoàn trả lại trong thời gian sớm nhất.
Một đứa bé khác cũng trong nhóm trẻ đó lại có hoàn ảnh bi đát hơn, mẹ đi bán vé số nuôi cha con nó và một đứa cháu, cha nó thì bị bệnh nan y nằm một chỗ, nó lại mắc bệnh suyễn không giúp gì được, nên gia cảnh thường xuyên thiếu trước hụt sau. Rồi cha nó qua đời, tôi đã đứng ra vận động bà con giúp lo tang ma cho cha nó một cách chu đáo.
Sau đám tang, nó thường đến chùa công quả nói là để cầu siêu cho cha, ngày Tết gần đến nó càng buồn hơn, tôi đã động viên an ủi nó, giảng cho nó nghe về tinh thần thiểu dục tri túc và chia sớt cho nó một phần trong số những vật phẩm mà Phật tử đem biếu cho tôi dùng ngày Tết (bánh mứt, hạt dưa, củ kiệu, dưa hấu, bánh chưng, bánh tét, bánh tráng, nhang đèn v.v...) và 50 ngàn mà tôi đã dành dụm suốt mấy tháng không dám xài.
Sau Tết đứa bé dẫn mẹ nó đến cảm ơn tôi và cũng như mẹ đứa bé kia, bà than rằng nhà túng quá không có tiền làm vốn bán vé số, bà thẳng thắn đặt vấn đề mượn tôi 300 ngàn để làm vốn, một thời gian ngắn sau sẽ trả. Lúc ấy, sư phụ tôi vừa mới viên tịch, bao nhiêu việc phải lo nên thật tình là tôi không có ngần ấy tiền để giúp cho mẹ con đứa bé, nhưng vì thương cho hoàn cảnh của nó nên tôi đã đi ra đầu xóm mượn giùm cho mẹ con nó.
Từ đó đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn gặp tụi nhỏ, đôi khi tụi nó cũng đến thăm tôi nhân dịp lễ Tết, nhưng số tiền đã mượn khi ấy thì không thấy nói gì đến nữa, tôi có nhắc khéo vài lần thì lần nào tụi nó cũng nói là để nói lại mẹ, rồi thôi.
Một lần tình cờ trong xóm có cãi lộn, người ta mới nói lại cho tôi nghe rằng nhà hai đứa bé kia cãi nhau và trong khi lời qua tiếng lại họ đã vô tình xì ra rằng, đã cùng nhau xúi con gạt ông thầy trẻ để lấy tiền đánh đề.
Ôi trời, tôi đã thương yêu quý mến tụi nó dường ấy, vậy mà chúng nó nỡ lòng nào đối xử với tôi như vậy sao, tôi thật không thể nào tin nổi - có lẽ đúng như người ta nói thật - chúng bị cha mẹ xúi ép chứ chúng không đến nỗi nào như vậy đâu.
(Sau này khi trúng số, một trong số 3 bà mẹ của mấy đứa bé đã đem gởi lại tôi số tiền đã mượn và thú thật việc mình cùng với 2 bà mẹ kia đã xúi tụi nó “dụ” tôi để mượn tiền đánh đề. Ối trời, thiệt là hết chỗ nói nổi...)
Năm tháng trôi qua mấy đứa bé kia cũng dần lớn khôn. Một ngày kia một đứa ghé thăm tôi và nói rằng nó đang học thêm vi tính môn đồ họa, rất cần một dàn máy để làm bài tập thực hành. Hôm qua trên trường người ta quảng cáo một dàn máy vi tính chỉ có 2 triệu 500 ngàn đồng mà nó mới chỉ để dành được 600 ngàn, mong tôi giúp đỡ để nó học cho tốt; nó còn hứa sẽ đi dạy kèm để dành tiền trả lại cho tôi.
Tôi giảng dạy cho nó nghe về một số nguyên tắc để người khác vui lòng giúp đỡ mình (mà tôi học từ chương trình “sinh viên lập nghiệp” trên truyền hình). Như là muốn thuyết phục người khác giúp đỡ, cần phải tạo được niềm tin từ đạo đức, tác phong cá nhân, phải chứng tỏ được khả năng và bản lĩnh trong việc giải quyết công việc, có kế hoạch cụ thể để thực hiện và tinh thần vững vàng khi gặp khó khăn trong công việc... Sau đó tôi tặng nó 500 ngàn, cho nó mượn 1 triệu (cộng với 600 ngàn đã có nó chỉ cần sự hỗ trợ một chút nữa từ phía gia đình thì có thể mua máy được rồi - kinh tế gia đình nó lúc này cũng đã tạm ổn!). Rồi, chúc nó thành công trong học tập, hy vọng sau này nó sẽ trở thành một công dân có ích cho xã hội. Nhưng, kể từ đó đến giờ nó không đến thăm tôi nữa, thỉnh thoảng gặp nó giữa đường thì nó lại cố tình ngoảnh mặt làm ngơ.
LỜI BÌNH:
Đó là hai câu chuyện làm tôi đau lòng nhất, nhưng cũng là hai bài học đầu đời mà tôi trân trọng nhất, bởi vì nhờ hai bài học đó mà tôi bớt dại đi, và cũng nhờ hai bài học đó mà sau này khi bị lừa tôi không thấy đau đớn nữa! Và một điều may mắn hơn là dù đã nhiều lần bị lừa, trái tim tôi vẫn bình thản mà không chai sạn lại, vẫn hy vọng và đặt trọn niềm tin vào tánh thiện trong mỗi người.
Tiểu Trúc Lâm Am, Mùa Hạ Năm 2012