Các bài viết

Cảnh giới của người tu

Cập nhật: 21/04/2015
Hiện nay trên thế giới nói chung, Đài Loan nói riêng, số người tin theo Phật giáo ngày càng đông.
 

Cảnh giới của người tu

 

Có lẽ vì vậy, mà mọi người cũng thường nghe tới những câu từ liên quan tới Phật pháp như là: người này rất có phong thái tu hành, người kia chắc là tu giỏi lắm!

Vì vậy, vấn đề chủ yếu của tín đồ Phật giáo là tu hành, nghĩa là đem Phật pháp áp dụng vào trong cuộc sống để mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội, qua đó cảm nhận được giá trị của lời Phật dạy. Cho nên, theo cách nhìn của tôi “Cảnh giới tu hành” có bốn điểm như sau:

Thứ nhất: Niệm Phật phải cùng Phật an trú.

Phật, không phải chỉ có đức Phật A-di-đà ở Tây phương Cực Lạc, cũng không phải chỉ có đức Phật Thích-ca Mâu-ni mà 2550 năm trước ở dưới cội bồ đề, ngồi trên toà kim cang chứng thành Phật quả; mà mỗi người ai cũng có đầy đủ Phật tánh, không luận là niệm danh hiệu của đức Phật nào, chúng ta đều phải hành trì để đạt đến cảnh giới Phật tức là mình, mình tức là Phật, niệm đến khi cùng với Phật tương đồng, tức khắc tất cả phiền não đều được tiêu trừ! Hám Sơn đại sư dạy: “Niệm Phật thì dễ nhưng khởi được tín tâm rất khó, tâm và miệng không hợp nhất thì niệm Phật cũng chỉ là uổng công! Miệng niệm Di-đà tâm tán loạn, niệm đến khàn cổ cũng vô ích”. Vì vậy, niệm Phật phải phát khởi lòng tin, niệm đến tâm vật là một, mới tiếp xúc được với tâm Phật.

Thứ hai: Lạy Phật đến khi thấy mình cùng Phật tồn tại.

Lạy Phật, Lạy đức Phật nào? Chính là lạy đức Phật ở trong tâm mình. Lạy Phật phải đem đức Phật của chính mình hiển bày ra, mới có thể làm cho tâm linh của mình được thăng hoa. Lạy đức Phật tổ ở bên ngoài, lạy đến đức Phật bên trong của chính mình, có như vậy chúng ta mới tiếp xúc giao thoa được với đức Phật. Pháp lễ lạy tuy chỉ thực hiện ở trên mặt đất, nhưng lòng tôn kính và sự trang nghiêm của chúng ta cũng từ đây mà được thể hiện ra.

Trong tâm có Phật, thì con mắt nhìn thấy, lỗ tai nghe thấy đều là Phật pháp. Trong tâm có Phật thì đi đứng nằm ngồi sẽ tương ứng với dáng vẻ oai nghi và tôn nghiêm của đức Phật. Cho nên, lạy Phật phải đem tâm vui vẻ, thanh tịnh, từ bi để mà lạy, có như vậy thì mới cùng với Phật tồn tại được.

Thứ ba: Bố thí phải đạt không còn phân biệt Nhân Ngã.

Con người tồn tại trên thế gian này phải hiểu về việc bố thí kết thiện duyên với người khác, không nên giữ niềm vui riêng cho mình mà phải đem niềm vui chia sẻ với người khác. Không chỉ một mình ta có năng lực thành công mà cũng cần phải giúp đỡ cho người khác cùng thành tựu như mình.

Lúc chúng ta làm việc bố thí, trong tâm không nên nghĩ rằng “tôi mới là người có thể bố thí, anh là người nhận sự giúp đỡ của tôi”. Nếu bạn có tâm suy nghĩ như vậy, tức là trong tâm đã tồn tại sự thiên lệch tôi lớn anh nhỏ, tôi tốt bạn xấu. Cho nên, bố thí phải nghĩ rằng người cho và người nhận đều bình đẳng, không nên có tâm niệm phân biệt, đó mới chính là bố thí đến không còn phân biệt nhân ngã.

Thứ tư: Tham thiền phải đạt được Chơn Tánh hiện tiền.

Tham thiền tu định là pháp môn tu tập rất quan trọng của người tu hành theo Phật giáo. Qua việc tu tập công phu thiền định, có thể phát hiện rằng, mọi người đều có đủ chân như Phật tánh. Không chỉ ngồi thiền hoặc là lượm củi lấy nước, mà cả đến việc ăn cơm, mặc đồ đều có thể dụng công tham thiền. Tham thiền nếu có thể đạt được minh tâm kiến tánh, mới tìm ra được chính mình, nhận chân được chính mình. Như vậy, người tham thiền cần phải có trí tuệ, cần phải khéo léo linh hoạt, trong tâm phải bao dung vạn hữu, khi tham thiền mới có thể đạt được Chơn Tánh hiện tiền.

Người tu hành không thể chỉ có lời nói từ miệng, mà phải thể hiện qua thực tế hành động, mới có nhân duyên cùng với Phật tâm tương ứng, đó chính là cảnh giới tu hành của một hành giả tu tập.

Người dịch: Kiều Giang

HT. Thích Tinh Vân

Tin tức liên quan

Tám căn cứ lười biếng của người tu
26/03/2015
Tự giải thoát cho mình
24/03/2015
Vững tin vào điều thiện
18/03/2015
Trở về cố hương
06/10/2011
Hãy sống với Phật A Di Đà trong mỗi chúng ta
05/08/2011