Sách HT. Thích Chân Tính

Hai Đời Vui
Tác giả: Thích Chân Tính
Mục lục
2. Đầy đủ phòng hộ
Chúng ta phải nỗ lực, cố gắng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, tốn biết bao công sức mới làm ra được tài sản. Thậm chí, có nhiều người còn phải làm những nghề nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như các công nhân làm việc trong hầm mỏ. Chính vì kiếm được đồng tiền không dễ, đôi khi phải đánh đổi bằng cả sinh mạng, nên chúng ta cần biết phòng hộ, giữ gìn tài sản để cuộc sống của mình được ấm no, hạnh phúc. Theo lời Phật dạy trong bài kinh Gia tộc thuộc chương 8, kinh Tương Ưng Bộ 4, có tám nguyên nhân dẫn đến hao tổn tài sản:
Thứ nhất là do quốc vương: Thời xưa, khi còn chế độ phong kiến, nếu làm việc phạm pháp, chúng ta sẽ bị nhà vua tịch thu tài sản.
Thứ hai là do trộm cướp: Khi đi ngủ mà chúng ta quên đóng cửa thì ăn trộm sẽ vào lấy hết đồ. Hoặc khi ra đường mà chúng ta đeo quá nhiều trang sức, nếu không cẩn thận, sẽ rất dễ bị cướp giật.
Thứ ba là do lửa: Nếu chúng ta bất cẩn, vô tình để xảy ra hỏa hoạn, thì bao nhiêu của cải, tài sản đều sẽ bị cháy hết.
Thứ tư là do nước: Những vùng sông nước như miền Tây thường xảy ra lũ lụt. Mỗi lần lũ dâng lên là nhà cửa, đồ đạc đều bị cuốn trôi theo dòng nước.
Thứ năm là do cất giấu không tìm được: Chúng ta thường cất giấu tài sản của mình, nhiều khi cất kỹ quá, chôn chỗ này, giấu chỗ kia, đến lúc cần thì tìm không ra. Cũng có trường hợp kẻ trộm để ý và biết được chỗ mình giấu tài sản nên chúng lấy mất lúc nào không hay.
Thứ sáu là do biếng nhác: Biếng nhác rất nguy hiểm. Người ta thường nói, dù tiền chất cao như núi mà ngồi ăn không thì cũng sẽ hết. Những kẻ làm biếng chỉ khiến hao tài tốn của, bao nhiêu gia sản rồi cũng sẽ vì họ mà tiêu tan.
Thứ bảy là do vợ con: Nếu chúng ta có người vợ ngoại tình, ăn chơi phá tán, hay đứa con mê cờ bạc, rượu chè, nghiện xì ke, ma túy thì bao nhiêu tiền của rồi cũng sẽ hết sạch.
Thứ tám là do vô thường: Chúng ta thấy rằng, ngay cả cuộc sống này cũng rất mong manh, huống chi là của cải. Ví dụ như, vừa rồi, ở Nhật Bản xảy ra sóng thần, tất cả mọi thứ từ người đến vật thoáng chốc đều bị cuốn trôi hết.
Trong cuộc sống, có rất nhiều điều chúng ta không thể biết trước hay tính trước, chẳng hạn như những tai họa ập đến bất ngờ. Vì thế, chúng ta không thể nào phòng hộ được mà chỉ có thể cố gắng làm sao để tổn thất mình phải gánh chịu nhẹ hơn và ít đi. Còn đối với những nguyên nhân đã biết trước, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp phòng hộ để giữ gìn tài sản của mình. Ví dụ như, muốn bảo đảm cho nhà mình không bị trộm, chúng ta phải khóa cửa cẩn thận trước khi đi ngủ, lắp chuông báo động, sử dụng hệ thống camera theo dõi... Nếu có nhiều tiền, chúng ta nên đầu tư mua một cái két sắt, để tiền trong đó an tâm hơn, vì nó rất khó mở và cũng rất khó vận chuyển. Ngoài ra, thời bây giờ, bảo đảm nhất là chúng ta không để quá nhiều tiền ở nhà, chỉ để đủ cho chi tiêu hằng ngày, còn lại đem gửi hết vào ngân hàng, vừa không sợ bị trộm, lại vừa có tiền lãi. Ở nước ngoài, người dân không bao giờ để tiền ở trong nhà mà đem gửi ngân hàng hết. Còn người Việt Nam thì hình như có đặc tính lâu đời là hay cất giấu tài sản, ngoài miệng cứ nói không có tiền, nhưng thỉnh thoảng lại than thở rằng đã bị ăn trộm lấy mất bao nhiêu cây vàng, bao nhiêu đô la.
Không chỉ phòng hộ ở nhà, khi đi chùa, chúng ta cũng phải chú ý phòng hộ tài sản của mình. Có những người đi chùa mang giày dép rất đẹp, vào chánh điện lễ Phật xong, quay ra thấy mất đôi dép. Lúc đó, họ liền khởi phiền não, tưởng đi chùa cầu nguyện là được an lạc, được may mắn, nào ngờ may mắn đâu chẳng thấy, chỉ thấy mất của thôi. Hiện tại, ở chùa Hoằng Pháp có một tình trạng là nhiều Phật tử tụ tập chỗ cây sala trước chánh điện để hứng hoa rơi xuống. Họ cho rằng ai hứng được hoa thì sẽ gặp may mắn. Không biết thông tin này bắt nguồn từ đâu? Có thể là do những kẻ có ý đồ bất chính tung ra. Nhiều người nghe vậy tưởng thật, bu lại gốc cây sala, chen chúc nhau, giơ hai tay lên, chờ hoa rơi xuống, ngờ đâu kẻ gian móc túi lấy tiền, lấy điện thoại của mình lúc nào không hay. Đó là do chúng ta không biết phòng hộ tài sản nên bị mắc lừa.
Ngày nay, cướp giật rất nhiều, nên đi trên đường chúng ta cũng phải phòng hộ cẩn thận. Tôi từng chứng kiến cảnh một cô gái chạy xe trên đường, đeo dây chuyền vàng, ăn mặc rất đẹp, có lẽ là đi dự tiệc cưới; khi đang lái xe, bỗng dưng có kẻ giật lấy sợi dây chuyền trên cổ cô, thế là cô bị té xuống đường. Chúng ta phải biết giữ gìn của cải, không phải lúc nào cũng đem ra khoe. Nếu cứ khoe nhẫn, dây chuyền, điện thoại, máy tính bảng... ngoài đường, một ngày nào đó, có thể chúng ta sẽ bị cướp giật, và đôi khi còn mất cả mạng sống.
Như vậy, đức Phật dạy chúng ta không phải chỉ biết kiếm tiền một cách hợp pháp bằng mồ hôi và công sức của mình, mà còn phải biết giữ gìn và phòng hộ tài sản. Nếu để cho tiền bạc, của cải bị mất mát, hao tổn hết thì chúng ta sẽ rơi vào cảnh nghèo khổ, không có cơm ăn, áo mặc, không có nhà để ở, không có tiền mua thuốc khi bệnh, không có tiền lo cho con ăn học, không giúp đỡ được ai và cũng không thể cúng dường Tam bảo. Do đó, đối với tài sản mình làm ra, chúng ta cần phải có sự phòng hộ đầy đủ.
Sách cùng thể loại