
Hạt Từ Tâm
Lên lớp 12 rồi con mới thấy mình lớn và trưởng thành hơn rất nhiều. Đặc biệt là, con biết yêu thương ba mẹ nhiều hơn qua những bài giảng của các thầy ở chùa Hoằng Pháp. Con đã biết suy nghĩ và biết lắng nghe nhiều hơn.
Lần ấy, lúc con còn học lớp 8, ba đi nhậu đến nửa đêm mới về nên mẹ cằn nhằn. Thế là trong cơn say ấy, con quỷ rượu đã khiến ba không còn biết gì nữa. Ba đánh mẹ tới tấp, ba đánh vào mặt mẹ, mẹ ôm đầu chịu đựng và chỉ biết ôm con mà khóc. Căn nhà bỗng trở nên u ám hơn sau những tiếng thét và đập đồ rầm rầm của ba. Ngồi bệt ở một góc tường, con và mẹ cố lượm lặt những thứ ba đã quẳng đi dù biết chúng tan nát hết rồi. Càng lượm, mẹ càng khóc và … con cũng khóc. Không hiểu sao con không thể kìm được những giọt nước mắt cứ lăn dài, lăn dài trên má. Con nói trong những tiếng nấc nghẹn ngào: “Con đi méc ông ngoại! hức… hức… ba đánh mẹ, con không chịu được mẹ ơi! Con ức lắm!”
Lúc ấy, con không còn nhìn ba bằng ánh mắt yêu thương như ngày nào nữa, mà hai chữ “căm thù” ba đang lan tỏa trong ánh mắt con, ánh mắt sắc lạnh. Con muốn quát vào mặt ba, hỏi ba tại sao đánh mẹ đến nỗi như vậy. Con muốn chạy thật nhanh qua nhà ông ngoại, nhưng mẹ đã nắm tay con lại và nói: “Đừng con, ba không cố ý đâu con, nín đi, đừng khóc nữa…!”
Thật sự là con rất đau lòng, tội nghiệp mẹ con lắm! Mẹ của con, một người nhẫn nhục, bao năm ròng lo cho hai chị em con từng miếng ăn, giấc ngủ. Mỗi lần đến giờ ăn cơm, một tay mẹ nấu, một tay mẹ dọn, mệt như vậy rồi mà lại còn cố lấy hơi để gọi con xuống ăn cơm. Con dạ, dạ cho có rồi lại nằm xem ti vi tiếp. Lúc ấy, con còn quá trẻ con để hiểu và thương mẹ như bây giờ. Con cảm thấy mình có lỗi quá nhiều với mẹ. Con chẳng những đã không phụ giúp được gì cho mẹ mà còn làm mẹ buồn, khổ vì con. Đôi lúc, khi nghe những bài giảng của các thầy, con lại thấy hối hận nhưng đó chỉ là phút chốc trong con vì thoát ra khỏi thế giới kinh kệ đó, con còn cả một thế giới đầy rẫy những bon chen, cám dỗ của phố phường đông đúc đang chờ đợi. Ở nơi đây, con gặp gỡ bạn bè, các mối quan hệ khác… và con đang phải hòa vào dòng đời tấp nập ấy. Con quên những yêu thương ba mẹ dành cho con lúc con còn thơ bé, quên chiếc xe đạp nâu đỏ, cũ kĩ mà hằng ngày mẹ đạp “cót két” chở con đến trường suốt 5 năm tiểu học, quên bẵng những giọt mồ hôi đầm đìa trên lưng áo mẹ đã phai màu theo năm tháng, quên cả khuôn mặt nhăn nhúm lại, thở phì phào lúc mẹ dẫn bộ, đèo con qua đoạn dốc đến trường. Còn ba, con quên mất đôi bàn tay chai sần và phồng rộp của ba mất rồi. Hồi bé, con hay cầm tay ba, hay sờ vào lòng bàn tay ba dù nó không đẹp, con cũng thích. Còn bây giờ thì… lại là một điều gì đó xa lạ mà con không thể làm được. Vậy mà, lúc bé đối với con thì ba là nhất, là tất cả.
Nhưng kể từ những lần ba nhậu nhẹt rồi đánh mẹ như vậy, con đã không còn thương ba nhiều nữa, con căm ghét ba. Có những lần con đi chơi mà không xin ba một tiếng. Con biết ba buồn con lắm nhưng không nói, chỉ biết lẳng lặng nhìn theo từng bước chân con đi. Con biết vì con quay nhìn lại, nhưng mặc kệ, con không nghĩ gì. Có phải con là đứa bất hiếu quá phải không thầy?
Khi nghe mẹ kể ba bị đứt dây chằng ở chân phải do một tai nạn hồi còn trẻ, nhưng khi đó ba nghèo lắm đâu có tiền chữa trị. Bây giờ phải tốn 20 triệu đồng để chữa, nếu không nó sẽ gây nhức nhối, đi lại không được. Ba không bao giờ muốn mẹ nói với con về bệnh tình của mình vì không muốn con phải lo lắng, suy nghĩ. Ba ơi! Bây giờ con đã hiểu rồi, con hiểu tại sao suốt ngày ba lại say xỉn, về nhà lại trút hết lên người mẹ rồi. Con đã thấu rồi, ba ơi!
Nhà con hiện tại cũng đâu khá giả gì mà ba lại là trụ cột của gia đình, mẹ thì không biết chạy xe máy, chỉ độc nhất chiếc xe đạp ngày nào làm kỷ niệm. Vì bệnh tình mà ba con tuyệt vọng quá nhiều. Ba phải mệt mỏi và đau đớn biết bao nhiêu để chống chọi cả tinh thần và thể xác đang suy kiệt từng ngày.
Ba ơi! Con xin lỗi ba! Con đã hiểu lầm ba rồi! Con thương ba nhiều lắm. Nếu có một điều ước, con chỉ ước rằng có một phép màu cho ba con được hết bệnh. Bồ-tát, người ở đâu! Ở nơi đây, nơi ngôi chùa Hoằng Pháp này, mỗi ngày con đều quỳ trước tượng Người, nguyện cầu cho cha con được khỏe lại, để gia đình con tuy nghèo nhưng lại được trở về những ngày yên ấm, hạnh phúc của ngày xưa.
Trịnh Thị Cẩm Vân - Bình Dương