
Lời Trái Tim Muốn Nói
Thưa thầy! Trước khi nói lí do sám hối, xin thầy hoan hỉ cho con được tỏ lòng ăn năn hối lỗi chân thành nhất. Thầy biết không, thầy là người đầu tiên trong đời mà con xin lỗi (nhà Phật gọi là sám hối).
Con sinh ra trong một gia đình mà người ta thường gọi là “đại gia”. Ba con là chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn lớn, má con là hiệu trưởng của một trường Đại học trứ danh ở Saigon. Con là đứa con gái độc nhất trong gia đình, bạn bè gọi con là “cô chiêu”. Không nói có lẽ thầy cũng biết, cuộc sống của con về vật chất không thiếu bất cứ một thứ gì. Là một người còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mà con có vệ sĩ riêng, tài xế riêng, ô sin riêng, biệt thự riêng, tài khoản riêng… Nói chung không thiếu bất kì một thứ gì về phạm trù vật chất. Nhìn vào ai cũng nghĩ con hạnh phúc lắm, sung sướng lắm.
Nhưng, thầy ơi, có ai thấu hiểu. Trong ngôi biệt thự đó, trong chiếc Lexus bóng loáng đó là cả một khoảng trời buồn. Con sợ cảm giác đó lắm thầy ơi. Do tính chất công việc, nên ba má con đi suốt, có khi cả tháng con không gặp mặt ba má, chỉ gặp nhau qua điện thoại hoặc Email. Mỗi lần đi ngoài đường, thấy các bạn được ba má đưa đi học hoặc dạo phố, con thấy ganh tị vô cùng. Nếu đổi chiếc Lexus để được hạnh phúc ấy con không nuối tiếc.
Không được ở gần ba má, không có người quản giáo, không có người tâm sự, con bắt đầu bị bệnh trầm cảm, suốt ngày chỉ biết nhốt mình trong phòng không muốn gặp ai. Con thường tâm sự với mẹ con cá vàng trong chậu, thấy mẹ con chúng quây quần bên nhau con thèm lắm, nếu có thể đánh đổi mạng người để có được hạnh phúc ấy con cũng quyết không từ. Thầy ơi, con đâu có tham vọng gì lớn, con chỉ cần vòng tay thương yêu của ba má, chỉ cần mỗi bữa cơm cả nhà cùng quây quần bên nhau, như thế dù cho có ăn nước mắm cũng ngon, cần chi sơn hào hải vị mà ngồi ăn một mình! Khó nuốt lắm.
Một hôm, ba điện thoại về nói:
- Hè năm nay con đi chùa Hoằng Pháp tham dự khóa tu mùa hè 7 ngày trước, sau đó hãy đi Tokyo.
- Không được. Sao có thể hoãn chuyến du lịch Tokyo chứ. Không, con quyết định đi Nhật. Trên chùa có gì vui, chán phèo. – Con tức giận nói.
- Không, ở trên chùa vui lắm. Nếu con đồng ý tham dự khóa tu mùa hè năm nay, ba hứa sẽ dẫn con đi chơi một tuần ở bất kì nơi đâu con muốn.
- Ba hứa thì phải giữ lời đó nghen. – Con vui mừng nói.
- Ba hứa mà.
- Nhưng, chỉ cần lên đó ở 7 ngày thôi đúng không, còn con thích làm gì thì làm chứ?
- Đúng vậy!
Con gọi bà vú nuôi xếp 7 bộ áo quần cho con mặc 7 ngày. Thú thật với thầy, trên đoạn đường từ nhà đến chùa, con đã dự tính sẵn trong đầu những chiêu thức đối phó và chọc gậy bánh xe ban tổ chức để ba con hết bảo con đi chùa. (Lúc đó con rất ghét chùa, bởi con bị dị ứng từ vở tuồng cải lương Lan và Điệp, con nghĩ mấy ông thầy chùa chẳng qua chỉ là những kẻ thất tình, làm sao đủ kiến thức và khả năng hướng dẫn một người thông minh như mình). Con tự vui với những ý định phá hoại của mình…
Bước xuống xe, cảm giác nóng bức, đặc biệt phải xếp hàng đăng kí làm con thấy khó chịu cộng chút tức giận. Con nghĩ bụng, “đường đường là một tiểu thư, kẻ hầu người hạ không thiếu, vậy mà phải xếp hàng chung với mấy đứa quê mùa, thiếu học”. Đặc biệt khi vào chỗ ăn ngủ. Thú thật với thầy, hai đêm liên tiếp con không ngủ được bởi vì không có nệm và máy lạnh; còn ăn uống thì đạm bạc, con cứ nghi ngờ không biết có hợp vệ sinh không… Con hư quá phải không thầy?
Thầy ơi! Nói thầy đừng buồn nghen, ngày đầu tiên nghe thầy tâm sự với chúng con trên khu A, thầy nói: “Các em ráng thực hiện đúng những gì ban tổ chức đưa ra, đừng phụ công ơn ba má cho mình tham dự khóa tu, đừng phụ chính bản thân mình. Chúng tôi luôn xem các em là em ruột của mình, do đó trong suốt khóa tu chúng ta có thể xưng là anh em được không?” Nghe thầy nói, con nghĩ “Ông này điêu quá, làm gì có chuyện đó! Một người trông khó tính như thế mà tình cảm với ai được”. Càng xem thường thầy, con càng trở nên tinh nghịch, quậy phá, làm sao cho thầy tức giận mới vui. Do đó, không bữa pháp thoại nào con ngồi yên cả, không chọc người này cũng phá người khác, hoặc có lúc tự mình nói lảm nhảm thứ gì để tạo sự chú ý của thầy. Đồng thời con còn xúi mấy bạn thích quậy phá chọc thầy nữa. Chắc thầy không quên, buổi pháp đàm “Suốt Đời Không Quên”, trong khi các bạn hòa cảm xúc của mình vào những câu chuyện đầy cảm động của những bạn mồ côi ba má, thấy các bạn ngồi xung quanh khóc, tự nhiên con bật cười, con chế giễu, hà hà, “nước mắt cá sấu”. Lúc đó thầy đang đứng cạnh con đúng không? Con tưởng thầy sẽ xách tai con hoặc chửi con một trận nên thân! Nếu được nhìn thầy tức giận con vui lắm!
Nhưng, con đã lầm. Xong buổi pháp thoại, khi các bạn đi xuống tắm giặt hết, thầy gọi con ra. Thầy ngồi xuống ghế đá, rồi bảo con ngồi ở ghế đá đối diện, thầy nhẹ nhàng, từ tốn nói:
- Hôm nay xin bạn cho tôi 15 phút được không?
Con gục đầu, nói khẽ: - Dạ được. – Không hiểu sao lúc đó con ngoan kinh khủng, con khiếp sợ và không dám nhìn thẳng vào ánh mắt thầy. Đây là lần đầu tiên con biết khiếp sợ ánh mắt đầy uy lực của người khác.
- Xét về tuổi đời, tôi lớn hơn bạn; xét về tuổi đạo, có lẽ tôi cũng không thua bạn. Do đó, để dễ dàng thông hiểu nhau hơn, chúng ta hãy xem nhau như anh em ruột và gọi nhau bằng hai tiếng anh em cho thân mật được không?
- Dạ được.
- Em à! Trong cuộc sống, nếu mình muốn người khác tôn trọng, trước hết phải tự trọng. Anh biết em có điều uẩn khúc gì đó, có thể ba má ép buộc đi tu; cũng có thể đi với mục đích cho vui. Song, với mục đích nào đi chăng nữa, mình cũng phải chấp hành đúng nội qui. Trong giờ pháp thoại, em ngồi nói chuyện hoặc làm mất trật tự, như vậy em đang coi thường vị giảng sư và các bạn. Vả lại, khi cho em vào chùa tu, ba má ở nhà phải gánh vác hết công việc để em yên tâm tu tập. Nếu mình tu không giỏi, vậy là mình cô phụ tấm chân tình của ba má; đồng thời cô phụ chính công sức của mình. Em hãy suy nghĩ lại đi. Anh tin tưởng với con người thông minh như em, em sẽ biết làm gì vào ngày mai và cả về sau.
Từng lời, từng lời của thầy như rót vào tai con. Con ngồi im lặng như tín đồ thuần thành nghe tôn sư phán giáo. Thầy biết không, đêm đó con cứ lăn qua lộn lại mà không thể chợp mắt, suy nghĩ rất nhiều. Nghĩ mình nên tiếp tục phá thầy hay dừng lại. Bỗng lòng tự ái trong con trào dâng, con quyết định “phá tới cùng”.
Sáng hôm sau, giờ công phu sáng. Do cả đêm thiếu ngủ, nên con cảm thấy mệt mỏi. Con đã xin thầy cho con ngồi ngoài hành lang, thầy gật đầu đồng ý. Con đang dựa vào vách tường ngủ ngon, bỗng nghe tiếng thầy hỏi:
- Em sao vậy? Bệnh hả?
- Dạ không sao đâu ạ! – Con lí nhí đáp.
- Không sao là tốt rồi. Nếu bệnh thì phải báo cho anh biết. À, sáng nay em ăn cháo nha!
- Dạ không cần đâu ạ!
Miệng con trả lời không cần, nhưng thầy nào biết con đang rất cảm động trước sự quan tâm của thầy. Chỉ mới có vài giờ trước đây con còn ý định phá thầy, ấy thế mà bây giờ lại cảm động vô cùng. Cả đời con chưa được ai quan tâm một cách không vụ lợi như thế. Thầy đã cho con biết thế nào là lòng từ bi vô điều kiện của bậc tu hành. Từ lúc đó, con bắt đầu hòa nhập với các bạn, không còn suốt ngày ủ rũ, buồn bực và tìm cách phá thầy nữa. “Ừmh, thì ra các thầy cũng cực khổ đấy chứ. Vì lo cho chúng con ăn ở, các thầy đã toát mồ hôi dưới cái nắng oi bức của Saigon để nấu cho chúng con ăn; các thầy phải vất vả lo nước cho chúng con tắm giặt; mỗi lần có bạn nào bị ngất, các thầy lại lo lắng, chăm sóc…” Sao các thầy cao thượng quá, vĩ đại quá, con thật xấu hổ và ăn năn về những ý nghĩ, hành động trước đây của mình. Thầy ơi con xin sám hối những lỗi lầm mình đã gây ra, mong thầy từ bi, hoan hỉ chấp nhận.
Thầy ơi, chỉ còn một ngày nữa là con phải xa các thầy, xa mái chùa Hoằng Pháp thân thương, xa giảng đường khu A đầy kỉ niệm. Từ trước đến nay, con đã đi du lịch không ít nơi, dù nơi đó xinh đẹp, vui đến mức nào, con cũng không nghĩ là mình sẽ ghé lại lần nữa. Thế mà, đối với chùa Hoằng Pháp, đối với khóa tu mùa hè, đối với các thầy thì ngược lại, con luôn hi vọng mình sẽ được tham dự cho đến khi nào hết tuổi tham dự mới thôi.
Cuối lời con kính chúc các thầy trong chùa thân tâm thường lạc, chúc các bạn tham dự khóa tu luôn sống an lành trong giáo pháp giải thoát của Phật-đà. Hẹn gặp lại thầy năm sau cũng tại giảng đường khu A nha thầy. Con cảm ơn các thầy đã cho con biết thế nào là hơi ấm tình thương, biết thế nào là lòng từ bi vô điều kiện của người xuất gia. Mai này dù có ra sao, con cũng xin thầy biết cho “EM THƯƠNG VÀ KÍNH TRỌNG ANH NHIỀU LẮM!!!”
Đặng Hoàng Như Trâm
(Quận 7 – Tp.HCM)