Ý nghĩa hoa đăng đêm Di-đà
Hằng năm, cứ đến ngày 17 - 11 âm lịch chùa Hoằng Pháp đều long trọng tổ chức lễ hoa đăng kỷ niệm đức Phật A-di-đà, Hôm nay, chúng tôi sẽ trình bày khái quát về buổi lễ hoa đăng để quý vị hiểu rõ hơn và việc dự lễ cũng có ý nghĩa hơn.
Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu xem “hoa đăng” nghĩa là gì? “Hoa” nghĩa là đẹp, “đăng” nghĩa là đèn, “hoa đăng” là những ngọn đèn tạo nên vẻ đẹp. Chúng ta treo một cái lồng đèn lên trên cây thì thấy rất bình thường, nhưng nếu treo vài trăm cái thì thấy rất đẹp. Cũng thế, nếu chúng ta đặt một ngọn nến trong hội trường thì thấy rất bình thường, nhưng đặt hàng ngàn ngọn nến thì sẽ thấy được một vẻ đẹp lung linh, huyền diệu. Những cái lồng đèn hay những ngọn nến đó gọi là hoa đăng.
Có ba loại hoa đăng là: trên không, trên đất và trên nước. Ở chùa Hoằng Pháp, quý thầy treo rất nhiều lồng đèn hoa sen đủ loại màu sắc, tạo ra vẻ đẹp cho sân chùa, nhất là về đêm, khi bật điện cho lồng đèn sáng lên, thì vẻ đẹp càng tăng thêm gấp bội. Đó là hoa đăng trên không. Trong buổi lễ tối hôm nay, chúng ta sẽ đốt nến trên sân trước chánh điện, hàng ngàn ngọn nến cháy sáng lung linh sẽ tạo nên một vẻ đẹp huyền diệu, khó diễn tả bằng lời. Đó là hoa đăng trên đất. Ở một số nơi, người ta thả những ngọn đèn xuống sông, trôi bồng bềnh, làm cho cả một đoạn sông sáng lấp lánh, trông rất đẹp, rất lãng mạn. Đó là hoa đăng trên nước.