Pháp Môn Tịnh Độ
Lời tựa

Người đời ai cũng muốn tìm cầu hạnh phúc, nên chạy đuổi theo tiền của, sắc đẹp, danh vọng, quyền thế, ăn uống và ngủ nghỉ… Họ lầm tưởng rằng sẽ được vui sướng lâu dài, nhưng cuối cùng vẫn phải gánh chịu nhiều đau khổ!

Người vào đạo chán cõi Ta-bà[1] xấu xa uế trược, chí tâm niệm Phật mong muốn vãng sinh, nhưng dù trải qua nhiều năm tháng thực hành vẫn không đạt được chỗ nhất tâm bất loạn?

Nguyên do là tại đâu? Bởi vì vô minh, mê lầm, cứ lầm cho mọi vật là thật, là bền lâu mãi mãi nên bám chấp vào đó… để rồi khi sự thật vô thường xảy ra thì đau khổ vô cùng. Thế nên, đạo Phật lấy việc nhận rõ lẽ thật (giác ngộ) làm chánh nhân để giải thoát. Lẽ thật đó chính là sự biến đổi vay mượn ở ngay nơi bản thân mình, tâm mình và sự vật chung quanh mình mình.

Vạn vật trên thế gian này dù lớn hay nhỏ, dù có tướng hay không hình, từ thân tâm cho đến hoàn cảnh đều là tạm bợ luôn biến đổi không dừng, được tồn tại, duy trì bằng sự vay mượn liên tục nên cuối cùng phải tan rã hoại diệt. Bằng trí sáng của mình mà chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, xét nét tận tường, chắc chắn ai cũng có thể thấy rõ điều này.

Khi đã thấy rõ được sự huyễn hóa, tạm bợ ở nơi vạn vật rồi thì tự nhiên chẳng còn cái gì đáng để cho chúng ta lưu luyến hay nắm giữ nữa. Lúc đó, nơi lòng chỉ nhẹ nhàng A-di-đà Phật rõ ràng sáng suốt, thân tâm an định, trí tuệ tỏa chiếu hết sạch mê lầm, thuần nhất một tâm không loạn động. Ngay hiện tại tự mình rõ biết đã được dự vào hàng Thượng phẩm Thượng sinh, đâu phải đợi đến lúc lâm chung!

Người niệm Phật tuy thiết tha, nhưng trong lòng ai cũng còn dẫy đầy tham sân. Hơn nữa, cõi trần bên ngoài lại nhiều cạm bẫy ngũ dục bủa giăng, Tịnh Độ Cảnh Ngữ là những lời nhắc nhở hết sức chân thành, có giá trị thiết thực chỉ rõ con đường để người tu không lạc lối. Chiêm nghiệm từng lời, từng câu của ngài Hành Sách, chúng ta mới thấy được tấm lòng từ bi vô hạn của những người đi trước.

Do cảm nhận được giá trị chân thật của chánh pháp nên Đại đức Trụ trì chùa Hoằng Pháp, cùng các huynh đệ Pháp Đăng, Tâm Huệ và Phật tử Diệu Thiện… đã tận tâm tận lực hỗ trợ giúp đỡ để chúng tôi hoàn thành quyển sách này.

Chúng tôi tuy có tấm lòng nhiệt thành đối với những người cùng tu, nhưng sự hiểu biết còn nông cạn, trong khi phiên dịch sẽ không sao tránh khỏi những điều sai lầm sơ thất. Kính mong các bậc Tôn đức và pháp hữu mười phương niệm tình chỉ giáo. Thành kính tri ân vô lượng!

Am Pháp Ấn, núi Linh Quy

Ngày 03 tháng 05 năm 2007

Thích Minh Thành kính ghi



[1] Tức thế giới hiện thực được sự giáo hóa của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Chúng sinh ở thế gian này làm mười điều ác, chịu đựng các phiền não mà không chịu lìa bỏ, nên gọi là Nhẫn. Lại nữa, khi chư Phật, Bồ-tát làm việc lợi lạc cõi này thì các Ngài phải chịu đựng các khổ não nên gọi là Nhẫn. Ta-bà (Sa-bà) còn được dịch là Tạp Ác, Tạp Hội, có nghĩa quốc độ này là nơi tụ hội của tam ác, ngũ thú. Ngoài ra, từ ngữ Ta-bà vốn chỉ cõi Diêm-phù-đề mà chúng ta đang ở, đời sau trở thành từ ngữ chỉ thế giới Tam thiên đại thiên do Phật Thích-ca giáo hóa, nên gọi chung thế giới có trăm ức núi Tu-di là Ta-bà.

Sách cùng thể loại
Niệm Phật Luận
Niệm Phật Luận
Đại Sư Thái Hư
Ấn Quang đại sư gia ngôn lục
Ấn Quang đại sư gia ngôn lục
Như Hòa
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà
Thích Pháp Đăng
Những điều căn bản về pháp môn Tịnh Độ & trợ niệm lúc lâm chung
Những điều căn bản về pháp môn Tịnh Độ & trợ niệm lúc lâm chung
Thích Tâm Hoà
Tịnh Độ Hoặc Vấn
Tịnh Độ Hoặc Vấn
HT. Thích Thiền Tâm
Tây Phương Yếu Quyết
Tây Phương Yếu Quyết
Thích Nguyên Chơn